Hà Nội tổng kết 3 chương trình công tác của Thành uỷ khoá XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/9, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 03-Ctr/TU ngày 28/6/2016 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững”; Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 29/6/2016 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hoá từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại” và Chương trình số 08-Ctr/TU ngày 26/4/2016 về “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020” của Thành uỷ khoá XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
 Các đại biểu dự hội nghị

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam cho biết, đối với Chương trình 03-Ctr/TU, được thực hiện trong giai đoạn từ 2016 – 2020, chương trình hướng tới một số chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,3 – 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế: Dịch vụ: 63,8 – 64,2%; Công nghiệp-xây dựng: 26 – 26,5%; Nông nghiệp: 1,8 – 2,4%; GRDP bình quân đầu người 126 - 129 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân: 8 – 9%/năm.
Trên tinh thần chủ động, sâu sát và quyết liệt, Ban Chỉ đạo chương trình tích cực phát huy vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của UBND TP; đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN. Tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tại các Hội nghị “Hà Nội – hợp tác đầu tư và phát triển” thường niên từ năm 2016.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp tích cực trong tăng trưởng chung cả nước. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 7,39%/năm, hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. GRDP năm 2019 đạt 971,67 nghìn tỷ đồng. Hà Nội tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước với tỷ trọng trên 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách và 8,6% kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 1742,3 nghìn tỷ đồng (gấp 1,65 giai đoạn trước, bằng 39,2% GRDP).
Trong 5 năm (2016-2020), Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019; lũy kế số dự án FDI còn hiện lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội được cải thiện rõ nét: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nâng dần qua từng năm. Năm 2016, lần đầu tiên TP lọt vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt và đứng ở vị trí thứ 14. Năm 2017, thứ hạng của Hà Nội tiếp tục được cải thiện, nâng lên vị trí thứ 13. Năm 2018 và 2019 Hà Nội lọt vào top 10 tỉnh thành dẫn đầu cả nước ở vị trí 9/63 tỉnh, TP.
Cơ cấu các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2020, ngành dịch vụ thương mại chiếm 63,5%, ngành công nghiệp và xây dựng: 23,2%, nông nghiệp: 2,1%. Ngoài ra, mức tăng doanh thu từ du lịch bình quân đạt 12,1%/năm. Năm 2019, Hà Nội đón 28,95 triệu lượt khách du lịch. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 Thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới… 
Công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thành phố chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, đã có 56/56 doanh nghiệp được quyết định chuyển sang công ty cổ phần, đã hoàn thành bàn giao 52/56 doanh nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 6/2019, có 112.165 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn điều lệ hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn đến hết năm 2020 ước đạt 306.240 doanh nghiệp. 
Các hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển với các Thủ đô và các nước tiếp tục được mở rộng, bước đầu tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài vào Thủ đô. Đã có 32 thỏa thuận quốc tế được ký kết với nội dung chủ yếu về hợp tác phát triển kinh tế, thu hút FDI, hợp tác nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị bền vững…
Đáng chú ý, trong 12 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu số lượng khách du lịch hàng năm và chỉ tiêu thành phần “xếp hạng chỉ số PCI” đã về đích trước kế hoạch 2 năm. 2 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội bình quân. 7 chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.
 Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam trình bày báo cáo tại hội nghị.
Dẫn đầu cả nước cả về số lượng, tổng giá trị đầu tư 
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đối với Chương trình 06-Ctr/TU, Ban chỉ đạo đã xây dựng danh mục dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020. Trong có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị (16 dự án đầu từ ngân sách TP, 22 đầu tư theo hình thức PPP). Theo kế hoạch đến 2020 Hà Nội cần hoàn thành 17 dự án, tuy nhiên do khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và huy động các nguồn lực đầu tư nên thành phố phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành 12  dự án và 5 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 2021 – 2022. Các dự án còn lại cũng đang trong quá trình phê duyệt, thẩm định hồ sơ và thu hút vốn đầu tư.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ XVI, Hà Nội chủ động nghiên cứu, tham mưu với Trung ương cho áp dụng cơ chế khuyến khích các nguồn lực đầu tư xã hội dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP hoặc xã hội hoá BT. Dù gặp không ít khó khăn do vừa làm vừa hoàn thiện chính sách nhưng các dự án của Hà Nội đã và đang triển khai theo hình thức này hiện dẫn đầu cả nước cả về số lượng, tổng giá trị đầu tư. 
Cụ thể, về vận tải hành khách công cộng, tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng đến nay mạng lưới xe buýt đáp ứng được khoảng 16,08%  nhu cầu đi lại của Nhân dân. Sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước, Hà Nội có 122 tuyến đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Sau rất nhiều năm chuẩn bị, tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa chính thức vận hành, sử dụng thẻ vé điện tử hiện đại.
Đối với cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, ở nội thành với việc hoàn thành hàng loạt dự án trọng điểm trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy nước tập trung đã đạt khoảng 1.520.000 m3/ngày đêm, cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho người dân đô thị và các khu vực nông thôn liền kề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước. Nhờ đó giảm hẳn tình trạng thiếu nước trong mùa hè. Ở khu vực ngoại thành, đến 9/2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch nông thôn đạt khoảng 78%.  Đến nay, 90/125 hồ nội thành và hàng chục hồ ngoại thành đã hoàn thành xử lý ô nhiễm, chất lượng nước được cải thiện đáng kể, đi đối với việc tôn tạo cảnh quan, đường dạo xung quanh hồ, tạo nên môi trường sống trong lành cho người dân. 
Đối với việc phát triển hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị, viễn thông, điện lực, với chương trình “trồng mới 1 triệu cây xanh” được khởi xướng từ năm 2016, TP đã hoàn thành, về đích sớm 2 năm chỉ tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh và đang tiếp tục trồng thêm 600.000 cây trong 2 năm 2019, 2020. 
 Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trình bày báo cáo tại hội nghị.
Còn đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xử lý chất thải rắn, TP đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc…Tăng cường đôn đốc các quận, huyện, thị xã và cấp cơ sở kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các công trình xây dựng ngay khi mới khởi công; giải quyết kịp thời không để phát sinh các điểm vi phạm mới và vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh theo từng năm (năm 2016 là 13,5%; 2017 là 10,99%; 2018 là 5,22%; 2019 là 3,07%; 6 tháng đầu năm 2020 là 2,25%). Ngoài ra, với mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường để đô thị phát triển bền vững, TP đã đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó nâng cao năng lực dự báo vào có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cụ thể với lộ trình rõ ràng.
Các chỉ tiêu cải cách hành chính cơ bản hoàn thành, vượt, về đích sớm
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, từ năm 2016 đến nay, TP đã ban hành 190 Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); định kỳ rà soát, lập danh mục và công bố 106 VBQPPL hết hiệu lực; cập nhật 1.991 VBQPPL còn hiệu lực vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Thành phố chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, công khai quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ các cơ quan, đơn vị. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị ban hành quy chế, quy trình giải quyết công việc theo quy định.
Từ năm 2016 đến nay, TP đã thực hiện rà soát, đánh giá đối với 261 TTHC; thông qua phương án đơn giản hóa đối với 183 TTHC, tiết kiệm người dân, tổ chức 201,5 tỷ đồng. Tính đến 31/8/2020, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP 1.823 TTHC. Tính đến 31/8/2020, Thành phố cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Việc cấp mã số doanh nghiệp tự động cho các doanh nghiệp thành lập mới không quá 30 phút; việc kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; 95% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử và tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt khoảng 95%; đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, cấp phép đầu tư qua mạng đạt 73%.
Thành phố hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 Sở và tương đương. Sau sắp xếp giảm 1 cơ quan hành chính ngang Sở, giảm 65 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng. Thành phố sắp xếp và triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau sắp xếp, giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (tương đương 30,2%).
Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn Thành phố đạt 8,7%. Thành phố tinh giản 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế viên chức theo phương án chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phẩn, giảm 13.665 biên chế viên chức do chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang tự chủ chi thường xuyên.
 Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trình bày báo cáo tại hội nghị.

Từ năm 2016 cũng đánh dấu những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực cải cách tài chính công. Các Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong 3 năm liên tục 2017, 2018, 2019) tăng 7 bậc so với năm 2015. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì trên 80% và về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 30. Đến nay Hà Nội các chỉ tiêu trong Chương trình số 08-Ctr/TU cơ bản đã hoàn thành, vượt và về đích sớm. 

Kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, nhiều dấu ấn nổi bật

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Chương trình số 03, 06, 08 của Thành ủy có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; vừa là yêu cầu, nhiệm vụ vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách, trước mắt, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống Nhân dân. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân Thủ đô. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện các Chương trình, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội nghị

Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND TP đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội Thành phố cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. 

Trong đó, đối với phát triển kinh tế: Thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong đó, lưu ý đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI. Tập trung thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô. Chú trọng hơn nữa trong việc tạo đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu vực phía Nam Thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều ở các khu vực. Quyết liệt thực hiện đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; có cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển kinh tế - xã hội.

 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU

Về công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị. Lập quy hoạch phát triển thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch chuyên ngành liên quan. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Triển khai Chương trình phát triển đô thị, chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn. 

Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ trong duy trì vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải đô thị. Hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4000 tấn/ngày và một số nhà máy khác. Hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước để đảm bảo cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố đạt 100% đối với cả khu vực đô thị và nông thôn. 

 Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, tiếp tục đầu tư hệ thống các trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường khu xử lý rác thải, nước thải, không khí, khói bụi, tiếng ồn trên địa bàn. Triển khai ứng dụng các công nghệ mới, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nước. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát nguồn phát thải từ đầu nguồn. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch. Tiếp tục giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng; không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất công.

Về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP đề nghị, chủ động xây dựng Chương trình, Kế hoạch CCHC của Thành phố giai đoạn 2020 - 2025 theo sự chỉ đạo của Chính phủ gắn với Đề án Thí điểm mô hình quản lý chính quyền đô thị. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục hành chính của Thành phố đồng bộ, khả thi theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các luật, nghị định mới ban hành và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thực hiện các TTHC; công khai, minh bạch các TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

 Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 08-Ctr/TU

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác tuyển dụng bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả, đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý, có đạo đức nghề nghiệp, đủ trình độ và năng lực thực thi nhiệm vụ; triển khai kế hoạch thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt; kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm. Tiếp tục đầu tư hạ tầng CNTT và ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU; tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU; tặng Bằng khen 9 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 08-Ctr/TU.