Hà Nội: Tổng sản phẩm GRDP 5 năm (2016 – 2020) tăng bình quân 7,39%/năm

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững”, tổng sản phẩm GRDP của Hà Nội tăng bình quân 7,39%/năm. Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam nêu ra tại Hội nghị tổng kết 3 chương trình công tác của Thành uỷ khoá XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 diễn ra chiều 30/9.

Theo ông Trần Ngọc Nam, Chương trình 03-Ctr/TU được thực hiện trong giai đoạn từ 2016 – 2020 và hướng tới một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,3 – 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế: Dịch vụ: 63,8 – 64,2%; Công nghiệp-xây dựng: 26 – 26,5%; Nông nghiệp: 1,8 – 2,4%; GRDP bình quân đầu người 126 - 129 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân: 8 – 9%/năm.
 Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam trình bày báo cáo tại hội nghị.
Trên tinh thần chủ động, sâu sát và quyết liệt, Ban Chỉ đạo chương trình tích cực phát huy vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của UBND TP; đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN. Tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tại các Hội nghị “Hà Nội – hợp tác đầu tư và phát triển” thường niên từ năm 2016.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp tích cực trong tăng trưởng chung cả nước. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 7,39%/năm, hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. GRDP năm 2019 đạt 971,67 nghìn tỷ đồng. Hà Nội tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước với tỷ trọng trên 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách và 8,6% kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 1742,3 nghìn tỷ đồng (gấp 1,65 giai đoạn trước, bằng 39,2% GRDP).
Trong 5 năm (2016-2020), Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019; lũy kế số dự án FDI còn hiện lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội được cải thiện rõ nét: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nâng dần qua từng năm. Năm 2016, lần đầu tiên TP lọt vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt và đứng ở vị trí thứ 14. Năm 2017, thứ hạng của Hà Nội tiếp tục được cải thiện, nâng lên vị trí thứ 13. Năm 2018 và 2019 Hà Nội lọt vào top 10 tỉnh thành dẫn đầu cả nước ở vị trí 9/63 tỉnh, TP.
Cơ cấu các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2020, ngành dịch vụ thương mại chiếm 63,5%, ngành công nghiệp và xây dựng: 23,2%, nông nghiệp: 2,1%. Ngoài ra, mức tăng doanh thu từ du lịch bình quân đạt 12,1%/năm. Năm 2019, Hà Nội đón 28,95 triệu lượt khách du lịch. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 Thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới… 
 Quang cảnh hội nghị.
Công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thành phố chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, đã có 56/56 doanh nghiệp được quyết định chuyển sang công ty cổ phần, đã hoàn thành bàn giao 52/56 doanh nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 6/2019, có 112.165 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn điều lệ hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn đến hết năm 2020 ước đạt 306.240 doanh nghiệp. 
Các hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển với các Thủ đô và các nước tiếp tục được mở rộng, bước đầu tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài vào Thủ đô. Đã có 32 thỏa thuận quốc tế được ký kết với nội dung chủ yếu về hợp tác phát triển kinh tế, thu hút FDI, hợp tác nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị bền vững…
Đáng chú ý, trong 12 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu số lượng khách du lịch hàng năm và chỉ tiêu thành phần “xếp hạng chỉ số PCI” đã về đích trước kế hoạch 2 năm. 2 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội bình quân. 7 chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.