Hà Nội trao bằng đạt chuẩn quốc gia cho 412 trường
Kinhtedothi – Ngày 4/4, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức trao bằng chứng nhận cho 412 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 128 trường công nhận mới và công nhận lại 284 trường.
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.900 trường học và 2,3 triệu học sinh. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo dựng một môi trường giáo dục hiện đại, an toàn, thân thiện và hiệu quả.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao bằng chứng nhận đạt trường chuẩn quốc gia cho đại diện các nhà trường.
Năm 2024, Hà Nội có 412 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: 128 trường được công nhận mới và 284 trường được công nhận lại. Tỷ lệ trường chuẩn toàn TP đạt 61,4%, trong đó khối trường công lập đạt 75,8%. Đáng chú ý, trong số 128 trường học được công nhận mới năm 2024, có 64 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 64 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Tính theo cấp học, năm 2024, cấp mầm non có thêm số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhiều nhất với 53 trường; cấp tiểu học có thêm 44 trường, cấp THCS có thêm 28 trường, cấp THPT có thêm 3 trường.
Trong các cấp học, cấp THCS có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất, với 87%. 5 đơn vị quận, huyện có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất TP gồm: Đan Phượng, Tây Hồ, Gia Lâm, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm.
Con số này không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục Thủ đô mà còn là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền và ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Năm 2024, Hà Nội có 412 trường đạt chuẩn quốc gia.
Những năm gần đây, chính quyền các quận, huyện, thị xã đã chú trọng quy hoạch và mở rộng diện tích trường học, nhiều trường được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 1ha với thiết kế hiện đại, đồng bộ, tích hợp đầy đủ các khu chức năng như phòng học thông minh, khu thực hành, thư viện mở, sân thể thao đạt chuẩn.
Để đạt chuẩn quốc gia, mỗi trường phải đáp ứng năm tiêu chí quan trọng: công tác quản lý; cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; chất lượng giảng dạy; sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Đặc biệt, các nhà trường ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo nên môi trường học tập tiên tiến, bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại.
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80 - 85%. Hiện tại, HĐND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án là các trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại tại huyện Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì.

Hà Nội khai mạc Hội thi giáo viên giỏi chương trình giáo dục thường xuyên
Kinhtedothi - Ngày 5/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi chương trình giáo dục thường xuyên cấp THP TP Hà Nội năm học 2024 - 2025.

Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên
Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học (Thông tư số 05); trong đó có nhiều điểm mới.

Hà Nội khai giảng khóa đào tạo giáo viên dạy nghề của Thủ đô Viêng Chăn
Kinhtedothi – Ngày 17/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề của Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.