Hà Nội triển khai các biện pháp cải thiện Chỉ số chất lượng không khí: Chính quyền và người dân cùng vào cuộc

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những tác nhân tác động làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí, ngày 25/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị 19 của UBND TP về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn TP.

Rửa đường trên một số tuyến phố trung tâm hạn chế bụi ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hân Bảo
Chính quyền vào cuộc tích cực
Thời gian gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội ghi nhận ngưỡng “báo động” gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân, đến hoạt động du lịch, sản xuất, kinh doanh... Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, Hà Nội đã và đang vào cuộc rất tích cực để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí.
Trước sự ô nhiễm không khí đang bao trùm lên TP, người dân chúng tôi rất lo lắng. Vì vậy, tôi mong ngoài việc công khai thường xuyên chỉ số AQI trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, TP cũng cần có thông tin dự báo xa để các đơn vị liên quan có giải pháp phù hợp, người dân cũng nắm bắt được để đề phòng.
Bà Nguyễn Hoài Linh, tổ dân phố 10, phường Quang Trung, quận Đống Đa (Thương Huế ghi)
Cụ thể, TP đã lắp đặt, vận hành ổn định 10 trạm quan trắc tự động. Dự kiến, đến năm 2020, TP sẽ đầu tư lắp đặt thêm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 12 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc lưu động; 4 trạm quan trắc nước mặt; 6 trạm quan trắc nước dưới đất; quản lý, vận hành Trung tâm Quản lý và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường. Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường (tăng cường xe quét rác, gom rác...). Mỗi ngày, có khoảng 100 xe hút bụi đi hút quanh TP 2 vòng, mỗi xe hút được khoảng 1,6 khối bụi.
Bên cạnh đó, TP cũng triển khai nhiều sáng kiến, chương trình, dự án về môi trường hiệu quả như: Trồng hơn 1.000.000 cây xanh; chú trọng đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng xăng E5, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ; thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng kế hoạch đánh giá phơi nhiễm do ô nhiễm không khí để đưa ra các khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và sự phát triển của Hà Nội…
Người dân không “ngoài cuộc”
Ngoài việc đưa ra những biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải độc hại, bụi mịn, Chỉ thị 19 của UBND TP còn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí, phát huy vai trò trách nhiệm của từng người dân trong công tác bảo vệ môi trường. UBND TP yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vận hành liên tục ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí, thường xuyên tổng hợp kết quả, thông báo công khai các số liệu ô nhiễm không khí trên Đài PT - TH Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị, Cổng thông tin điện tử của Sở TN&MT... để người dân biết, có kế hoạch hành động, phòng tránh.

Chỉ thị 19 của UBND TP Hà Nội được ban hành trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ở mức báo động đã thể hiện thái độ quyết liệt của chính quyền TP Hà Nội trong việc cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây mới chỉ là các giải pháp trước mắt, bởi lẽ hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào cụ thể chỉ ra các nguyên nhân gây ô nhiễm bụi PM2,5 và PM 10 nên chưa khoanh vùng được đối tượng cần tập trung giải quyết. Vì vậy, theo tôi, để giải quyết được gốc rễ của vấn đề, Hà Nội cần huy động các nhà khoa học, các chuyên gia vào cuộc để tổ chức thực hiện một đề tài nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. 

PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Trong trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức “Nguy hại” (chỉ số AQI >300), Sở TN&MT có trách nhiệm thông báo tới Sở GD&ĐT để chỉ đạo các trường mầm non, trường tiểu học cho các cháu học sinh sắp xếp lịch học phù hợp; tới Sở Y tế để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe Nhân dân, phòng ngừa bệnh về đường hô hấp. Sở Y tế xây dựng phương án cụ thể để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm sức khỏe trong những ngày chất lượng không khí ở mức “Xấu” “Rất xấu” và “Nguy hại”.
Trong các ngày chất lượng không khí ở mức “Kém” trở lên, Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các Công ty Môi trường đô thị, cùng các quận, huyện rà soát kiểm tra, phải tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác và dùng xe tưới nước rửa đường. Sở GTVT và Công an TP tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tránh ùn tắc trong giờ cao điểm, yêu cầu tất cả các xe tải trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào TP từ Vành đai 3 trở vào từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Yêu cầu Sở TN&MT, Sở TT&TT, Sở VHTT, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực, hưởng ứng tham gia việc không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa. Các hộ gia đình trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp. Không vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Hưởng ứng Chương trình trồng cây xanh trên địa bàn TP do UBND TP Hà Nội phát động, tích cực trồng thêm cây xanh tại khu vực mình sinh sống, tại mỗi hộ gia đình. Tham gia lưu thông bằng các phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; ưu tiên sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo, điện, giảm phát thải ô nhiễm môi trường không khí...
Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, người dân tham gia cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm theo quy định.
Công an TP, Thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm tất cả các xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, không phủ bạt che chắn, chở quá tải, để rơi vãi ra đường gây mất an toàn, vệ sinh môi trường. Xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định. Tăng cường kiểm tra, phát hiện để xử lý các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng không che chắn, gây vương vãi vật liệu, bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm theo quy đình.
Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở TN&MT và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, trên cơ sở các phương án thực hiện, đề xuất bố trí kinh phí kịp thời cho công tác rửa đường, các hoạt động xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. 
Các trường học hạn chế tối đa sinh hoạt ngoài trời
Chiều 25/12, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nếu khi xảy hiện tượng ô nhiễm không khí, môi trường, các trường hạn chế tối đa việc sinh hoạt tập thể ngoài trời. Đồng thời, các trường nhắc nhở học sinh và tuyên truyền cho cha mẹ học sinh là khi chở học sinh tham gia giao thông ngoài trời phải dùng khẩu trang để bảo đảm tránh tình trạng ô nhiễm.
Trước câu hỏi của phóng viên về trường hợp nếu những ngày không khí xấu, rất xấu, nguy hại, các trường có cho học sinh nghỉ học? Về việc này, ông Xuân Tiến phản hồi: Việc cho học sinh nghỉ học là cả một vấn đề. Sở GD&ĐT Hà Nội phải chờ khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ TN&MT cũng như được sự cho phép của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. (Oanh Trần ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần