Hà Nội: Triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số "tính minh bạch"

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số "Tính minh bạch", tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử.

Ngày 5/6, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Để duy trì Chỉ số PCI năm 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, UBND thành phố giao Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố chủ trì, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề theo dõi và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”; Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, các quy hoạch, kế hoạch của thành phố. Hiệp hội phải là đầu mối tiếp nhận thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp, chuyển tải thông tin, báo cáo UBND thành phố để giải đáp, xử lý và tháo gỡ.
Về chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (xếp thứ 10/63 - chỉ số duy nhất giảm hạng trong năm 2019), UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để cải thiện và nâng cao, như: Giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng; bảo đảm thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp; phấn đấu 100% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, 30% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4, 50% số TTHC có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích…
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các giải pháp nâng cao kết quả chỉ số “Tiếp cận đất đai”; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số "Tính minh bạch", tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử.
Sở Nội vụ chủ trì triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và các chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức. Văn phòng UBND thành phố chủ trì, theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện “Chi phí thời gian”. Thanh tra thành phố chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số “Chi phí không chính thức”. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án Nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Cục Thi hành án dân sự thành phố triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”…
UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cũng phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các thông tin về xây dựng, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, TTHC… Thời hạn hoàn thành việc công khai, cập nhật thông tin là trước ngày 30/6/2020.
Năm 2019, Chỉ số PCI của Hà Nội xếp thứ 9 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh 8 chỉ số tăng hạng, Hà Nội vẫn còn một số chỉ số và chỉ tiêu cần tiếp tục có biện pháp khắc phục. Cụ thể, chỉ số "Môi trường cạnh tranh bình đẳng" vẫn xếp hạng thấp, 56 trên 63 tỉnh, thành phố; Chỉ số "Gia nhập thị trường" có sự sụt giảm cả về điểm số và xếp hạng... Ngoài ra, nhóm 25 chỉ tiêu liên quan đến đánh giá cán bộ, công chức của thành phố, tuy đã có sự cải thiện nhưng chưa nhiều, vẫn còn 09 chỉ tiêu xếp hạng thấp, từ 50 đến 59 trong 63 tỉnh, thành phố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần