Hà Nội triển khai đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025" trên địa bàn đến năm 2025.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; từng bước nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Các mục tiêu cụ thể gồm: Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các chỉ tiêu đến năm 2025, 100% lãnh đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn TP được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ban hành các văn bản chỉ đạo, Kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 100% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đồng thời, nâng cao sức khỏe người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi.
Các chỉ tiêu đến năm 2025 có 90% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe. Ít nhất 85% người cao tuổi được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm; được tầm soát ung thư đại trực tràng, một số ung thư sớm thường gặp ở người cao tuổi và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại Trạm Y tế tuyến xã.

Mục tiêu tiếp theo là đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà...).

Các chỉ tiêu đến năm 2025: Ít nhất 95% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến TP và khu vực (Bắc Thăng Long, Đức Giang, Sơn Tây, Thanh Nhàn, Vân Đình, Hà Đông) thành lập khoa Lão. Các bệnh viện tuyến huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Thành lập ít nhất 1 Bệnh viện Lão khoa của TP Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa); Xây dựng ít nhất 1 Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi TP Hà Nội theo hình thức xã hội hóa; Triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ Dân số - KHHGĐ TP. Phát triển mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày tại các quận, huyện, thị xã (theo hình thức xã hội hóa), ít nhất mỗi quận, huyện, thị xã có 1 Trung tâm.

Mục tiêu thứ 4 là đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung. Các chỉ tiêu đến năm 2025 đảm bảo 100% người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà được chăm sóc sức khỏe tập trung hoặc hình thức phù hợp. 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần tại cộng đồng. Các chỉ tiêu đến năm 2025 đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động hỗ trợ người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, thế thao và nâng cao sức khỏe tinh thần tại cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần