Hà Nội triển khai Luật Quy hoạch: Tạo đà phát triển bứt phá

Vũ Cúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch, triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch TP Hà Nội vừa qua, thực sự đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô. Tuy nhiên, có ý kiến tỏ ra lo ngại về những thách thức mà Hà Nội phải đối mặt, vì là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện một bộ luật mới - Luật Quy hoạch. Xung quanh vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội KTS Hà Nội.

 KTS Trần Huy Ánh
Thưa ông, TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch nhằm triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của TP Hà Nội?
- Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đây là luật mới lần đầu tiên áp dụng, phạm vi của luật rộng, có nhiều nội dung mới, phương pháp lập quy hoạch mới và lần đầu tiên áp dụng đồng thời tất cả các quy hoạch trong giai đoạn từ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Chính vì có nhiều điểm mới nên nhiều bộ ngành, địa phương còn rất lúng túng nên chậm triển khai. Vì vậy, việc TP Hà Nội ban hành Kế hoạch nhằm triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một tín hiệu tích cực cho thấy tính chủ động bứt phá của Hà Nội.
Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Luật Quy hoạch, vậy khó khăn mà Hà Nội sẽ phải đối mặt, theo ông là gì?
- Lần đầu tiên chúng ta có một luật quy hoạch chung, quy hoạch tích hợp, đồng bộ, đa ngành. Quy hoạch mới chưa có ai làm, chưa có đơn vị tư vấn trong nước, ngoài nước nào thực hiện nên đây sẽ là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi các sở ngành, địa phương của Hà Nội phải có sự đột phá trong cách nghĩ, cách nhìn mới thoát khỏi tư duy quy hoạch cũ.
Một trong những thay đổi cốt lõi là lập quy hoạch từ chủ quan duy ý chí sang khách quan, thích ứng. Với yêu cầu này đòi hỏi có sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy, hành động của các cá nhân, tổ chức liên quan. Công việc đòi hỏi phải tổng hợp, tích hợp, xử lý đồng bộ khối lượng dữ liệu lớn, rất cần tới các công cụ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong mối quan hệ chuỗi giá trị. Do vậy, vai trò giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch cũng rất quan trọng.
Được biết, Hà Nội đang xem xét để điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Việc lập quy hoạch TP lần này hiện có ảnh hưởng và chồng chéo với việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, thưa ông?
- Không có gì là chồng chéo cả, quy hoạch xây dựng là một thành phần nội dung của Quy hoạch. Các nội dung của quy hoạch xây dựng phù hợp với mục tiêu phát triển trong cùng giai đoạn thì tiếp tục phát huy, những nội dung chưa phù hợp thì rà soát loại bỏ. Triển khai Luật Quy hoạch, rõ ràng Hà Nội lại có thêm cơ sở pháp lý để loại bỏ cái không phù hợp trong triển khai quy hoạch xây dựng. Ví dụ như các nội dung quy hoạch phát triển bất động sản dư thừa thì giảm bớt, tăng thêm mặt nước cây xanh, không gian công cộng, trường học, nhà trẻ… Quy hoạch giao thông cần tính toán những giải pháp phát huy giá trị kinh tế, kỹ thuật, lao động trong nước, hạn chế những dự án phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài. Trong quy hoạch thu gom và xử lý nước thải, rác thải cũng vậy, cần tính đến quy hoạch có tính bền vững của nền kinh tế tuần hoàn, không rác thải.
Quy hoạch đô thị phải đồng bộ cây xanh và không gian công cộng. Ảnh: Việt Dũng
Lâu nay, ngành quy hoạch - kiến trúc thường nắm vai trò chủ đạo trong công tác quy hoạch. Tuy nhiên, tại văn bản này của TP Hà Nội lại giao Sở KH&ĐT chủ trì việc triển khai lập quy hoạch TP. Vậy, việc phân vai mới này có mang lại hiệu quả?
- Đây là điểm mới rất ưu việt của Luật Quy hoạch, huy động được khối óc, trí tuệ của tổng lực các ban, ngành. Bởi lẽ, Sở QH-KT thường có vai trò quan trọng trong lập Quy hoạch Xây dựng, tạo ra những bản vẽ quy hoạch để các ngành khác dựa vào đó mà triển khai. Do đó, nhiều khi có những bản quy hoạch đưa ra những mục tiêu khó về nguồn lực thực hiện.
Bản thân Sở KH&ĐT được giao vai trò chủ trì lập quy hoạch sẽ có nhiều khó khăn do họ quen với các con số, mà không hình dung ra những biến số sống động trong không gian như thế nào. Vì vậy, Sở KH&ĐT được giao chủ trì cũng có nghĩa sẽ là đơn vị tập hợp các sở ngành, địa phương liên quan "động não" một cách trách nhiệm để đưa ra những đề xuất phù hợp với tình hình, có tính xây dựng cao. Sở KH&ĐT đóng vai trò tiên phong rà soát tổng hợp tất cả các dự án đã, đang và sẽ thực hiện trên toàn TP, soi chiếu vào tình hình thực tế của địa phương, đất nước và quốc tế, đánh giá cái nào cần hay không cần, trên căn cứ đề xuất của sở ngành, địa phương để có được bản quy hoạch chuẩn mực nhất.
Theo ông, đây là cơ hội hay thách thức đối với Hà Nội?
- Tôi cho là cả hai nhưng cơ hội sẽ nhiều hơn đối với sự phát triển của Hà Nội. Vì đây là quy hoạch tích hợp nên tính tương tác giữa các sở ngành, địa phương sẽ rất chặt chẽ tạo nên sự đồng thuận lớn về các mục tiêu phát triển chung của toàn TP.
Đặc biệt là trong bối cảnh đất nước ta lại đang đứng trước nhiều thách thức lớn như: Dịch bệnh toàn cầu, ô nhiễm, biến đổi khí hậu, mối quan hệ các quốc gia cũng biến đổi sâu sắc…) đòi hỏi cần có một kịch bản mới, đầy sáng tạo với lộ trình thực hiện phù hợp mới thích ứng được các thách thức này. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần đi đầu trong tiến trình này. Tôi cho rằng, thực hiện Luật Quy hoạch sớm và chuẩn, Hà Nội sẽ có những phát triển bứt phá sớm, đẩy lùi được mọi khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
TP Hà Nội sẽ phát huy được tối đa các nguồn lực sẵn có để bứt phá, không còn chuyện quy hoạch ngành nọ đá chân ngành kia mà sẽ là sự tương tác, thúc đẩy điểm mạnh của nhau để cùng phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần