Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai thực hiện Thông tư số 33 về “sổ đỏ”

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/11, Sở TN&MT Hà Nội đã chính thức triển khai hướng dẫn thực hiện Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ TN&MT tới 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Việc triển khai được thực hiện tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quản lý Tài nguyên và Môi trường quý IV/2017.

Hướng dẫn rõ hơn về cách ghi

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất trong Giấy chứng nhận (GCN) hay còn gọi là “sổ đỏ” không ảnh hưởng đến các thủ tục cấp GCN của Hà Nội.

“Dù có Thông tư 33 hay không có thì chúng ta cũng vẫn đang thực hiện đúng Luật Đất đai 2013, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT về GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thông tư 33 chỉ hướng dẫn rõ hơn đối cách ghi GCN đối với hộ gia đình”, ông Nghĩa nói.
Tại hội nghị, Lãnh đạo sở TN&MT khẳng định, quy định mới về cách ghi đối với hộ gia đình không ảnh hưởng gì đến các thủ tục cấp GCN của Hà Nội

Ông Nghĩa cũng nêu rõ: Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của GCN quy định: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “hộ ông” (hoặc “hộ bà”) sau đó ghi họ tên, năm sinh và số của giấy tờ thân nhân của hộ gia đình…

Nay, tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “hộ gia đình, gồm ông” sau đó ghi họ tên, năm sinh và giấy tờ thân nhân của chủ họ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh và giấy tờ tùy thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Phát huy vai trò tham mưu

Được biết, năm 2017 là năm kỷ cương hành chính, năm bản lề tạo nền tảng cho hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), mục tiêu đặt ra với ngành TN&MT là quản lý chặt chẽ, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo những chuyển biến cơ bản, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngành TN&MT.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Sở TN&MT Hà Nội tập trung, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được Thành ủy, HĐND, UBND TP giao. Sở đã trình UBND TP ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật triển khai các luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên nước, Khoáng sản, Khí tượng thủy văn… đảm bảo công khai minh bạch, cải cách hành chính, đáp ứng công việc chuyên môn trong lĩnh vực TN&MT, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) TP Hà Nội;

Tham mưu Thành ủy ban Hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ; UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3/7/2017 về việc triển khai “Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội” về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP đến 2020 và những năm tiếp theo; xây dựng và triển khai đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP đến 2020, định hướng đến 2030 đã được UBND TP phê duyệt.

Tham mưu UBND TP tăng cường phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản, trao đổi thông tin kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thăm dò khai thác khoáng sản, vận chuyển và sử dụng cát sỏi trái phép trên lưu vực sông thuộc địa bàn TP…

Qua đó, Sở TN&MT Hà Nội cũng đề ra 8 nhiệm vụ trong tâm mà UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung ở tháng cuối năm 2017. Trong đó, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu ủa quản lý ngành TN&MT theo hướng tinh gọn; thực hiện “kỷ cương hành chính” với phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”.