Hà Nội trong mắt các họa sĩ trẻ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện lên đầy cá tính nhưng cũng rất đỗi thăng trầm cùng các danh lam thắng cảnh. Hà Nội quen thuộc qua từng góc phố cũ và mới lạ trong các không gian đô thị mới. Tất cả đều được hiện lên trong triển lãm “Hà Nội/Hà Nội” vừa mới khai mạc cuối tuần qua tại Ngon Garden (70 Nguyễn Du).

 Công chúng xem tranh tại Ngon Garden. Ảnh: Minh An
Tranh về Hà Nội không chỉ còn của Bùi Xuân Phái

Phố Phái đã trở thành danh hiệu của họa sĩ Bùi Xuân Phái ở mảng đề tài hội họa Hà Nội. Người ta gắn Bùi Xuân Phái như con phố thứ 37 của Hà Nội, và gắn tên ông trong giải thưởng Vì tình yêu Hà Nội. Nhưng đến với triển lãm “Hà Nội/Hà Nội” đang trưng bày tại Ngon Garden (70 Nguyễn Du) công chúng yêu hội họa đã thấy một bảng đề dẫn về Hà Nội khác xưa. Hà Nội có thể chỉ là 1 bông hoa sen trắng ở Hồ Tây (của họa sĩ Bình Nhi); hoặc có thể vẽ lại phố Hàng Bè như Bùi Xuân Phái, nhưng các họa sĩ trẻ như: Thanh Sơn, Đào Hải Phong đã chọn vẽ lại con phố ấy theo phong cách của ngày hôm nay, sôi động và khác lạ hơn.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Hà Nội là một chân dung đầy cá tính, có 4 mùa, có nhiều danh lam thắng cảnh, có nhiều đình chùa, nhiều nhà thờ, có sông nước, có nhiều hồ, có thủy hồ cân bằng, có địa nhân... Hà Nội là một đề tài lớn cho nghệ thuật nói chung, cho hội họa nói riêng. Hà Nội đã ban tặng chính Hà Nội nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, nhiều tác phẩm để đời. Hà Nội đủ đẹp, đủ hấp dẫn, đủ dài rộng, đủ hình màu cho bất kể một cá tính sáng tạo nào khám phá. Và triển lãm “Hà Nội/Hà Nội” chỉ là một góc nhìn nhỏ về Hà Nội”. Tại triển lãm, là cuộc hội tụ của 18 họa sĩ: Bình Nhi, Hoàng Thị Phương Liên, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Quốc Thắng, Việt Anh, Phạm Trần Quân, Lâm Đức Mạnh, Tào Linh, Đỗ Dũng, Hoàng Phượng Vỹ; và các họa sĩ khách mời: Phan Minh Châu, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều, Đằng Giao, Lưu Công Nhân. Tại triển lãm, với 50 tác phẩm, công chúng được cảm nhận từ những hình ảnh đời thường quen thuộc, đến phong cảnh thiên nhiên đến con người Hà Nội. Tất cả được các họa sĩ “thổi hồn”, biến hóa và khoác lên một diện mạo mới.

Triển lãm trong không gian mở

Khác với mọi cuộc triển lãm bị bó hẹp trong Gallary hay bảo tàng, chủ nhiệm hội đồng giám tuyển triển lãm “Hà Nội/Hà Nội” – họa sĩ Lê Thiết Cương chọn không gian kiến trúc biệt thự vườn ở 70 Nguyễn Duy làm địa điểm đặt triển lãm. Không gian của triển lãm mang hơi thở của Đông Dương vang bóng một thời, tái hiện sự giàu có cả về mặt vật chất lẫn tinh thần của thời hưng thịnh xưa trong bối cảnh hội nhập, để du khách có thể cảm nhận được nhịp sống chốn thị thành phồn hoa mà vẫn phảng phất nét đẹp quá khứ, đem lại cảm giác mới lạ nhưng lại rất đỗi thân quen với những người đã trải qua những năm tháng huy hoàng ấy. “Đối với mô hình triển lãm trong không gian mở, sẽ có hàng nghìn người đến xem tranh, kéo gần khoảng cách của hội họa với công chúng” – họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, để tạo ra sân chơi cho các họa sĩ trẻ, triển lãm chọn họa sĩ và đề tài Hà Nội không chọn tác phẩm. Các họa sĩ phải tự chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Ngay sau khi trưng bày, toàn bộ tác phẩm đã có “chủ” lựa chọn mua về. “Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, 70 - 90% mua tranh Việt là người nước ngoài. Ngày nay, công chúng quan tâm đến hội họa Việt 70% là người Việt. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hội họa” – họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh.

Sau triển lãm “Hà Nội/Hà Nội”, bà Phạm Bích Hạnh – chủ nhân của không gian “Ngon Garden” sẽ còn tiếp tục thực hiện triển lãm Sách ảnh Hà Nội, mang chủ đề các khu chung cư cũ. “Có thể hiện nay rất nhiều chung cư xuất hiện trong sách đã không còn nhưng nó là những bức ký họa rất đẹp về Hà Nội cần lưu giữ. Với những người đã từng sống trong các khu tập thể cũ thì cái nhà cao nhất đến 5 tầng, với các căn phòng nhỏ hẹp sẽ là ký ức không thể nào quên” – bà Phạm Bích Hạnh tâm sự. Và nối dài tình yêu dành cho Hà Nội sẽ là các cuộc trưng bày về hoa Hà Nội, Tết của Hà Nội xưa và nay… ở không gian văn hóa mở này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần