Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, công tác lập quy hoạch là yếu tố then chốt để tiến tới triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Công tác lập quy hoạch không chỉ yêu cầu ở sự tỉ mỉ cho từng ngành, từng lĩnh vực mà còn yêu cầu phải có sự liên kết với nhau trong cả quá trình, để khi đưa vào triển khai thực tế tạo ra sự đồng bộ, kết nối với nhau.
Một góc phía Nam TP Hà Nội. Ảnh: Chiến Công |
Sau khi ổn định bộ máy của Thủ đô mở rộng, TP Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành bao gồm 5 lĩnh vực: Quy hoạch giao thông vận tải, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang. Trên cơ sở phê duyệt này của Chính phủ đã tạo điều kiện để TP Hà Nội triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực.
Đến thời điểm hiện tại, UBND TP đã phê duyệt tổng số 57/68 đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chung; 11 đồ án khác đang được hoàn chỉnh. Ngoài ra, TP đang triển khai lập 25 đồ án quy hoạch phân khu tại các đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và dự kiến lập 04 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc. Đến nay đã có 16/21 đồ án được phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch.
Đối với quy hoạch chi tiết, chỉ giới đường đỏ, đã có khoảng 160 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 12.191ha được phê duyệt. UBND TP cũng đã phê duyệt thêm tổng cộng 115 hồ sơ chỉ giới đường đỏ và 30 hồ sơ nhiệm vụ các tuyến đường quan trọng, làm cơ sở để nghiên cứu thực hiện các dự án, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo các tuyến đường giao thông chính.
Ngoại thành và nông thôn mới là vấn đề nổi lên và cần phải giải quyết tức thời ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính. Trên cơ sở đó TP đã hoàn thành phê duyệt 401 xã nông thôn mới từ năm 2012. Hiện đang thực hiện rà soát, điều chỉnh lại theo các quy hoạch chung đã được phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014. Đến nay, UBND các huyện đã phê duyệt 95/323 nhiệm vụ quy hoạch theo thẩm quyền.
Tại vùng đô thị lõi của Thủ đô, với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh đã dến đến những áp lực về giao thông, nhà ở. TP đã kịp thời rà soát và phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quan trọng gồm: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung Thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cũ và Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô. Hiện nay đang tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng các quy chế đặc thù cho các quận, huyện, thị xã. Đối với vấn đề nhà ở tập trung xử lý hai vấn đề đó là quy hoạch lại các khu chung cư cũ và quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung.
Với chủ trương phát triển Thủ đô văn minh hiện đại gắn liền với việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo tồn các di sản kiến trúc, các di tích lịch sử và công trình có giá trị, ngoài các quy chế bảo tồn phố cổ, phố cũ, TP cũng tiền hành công tác quy hoạch chi tiết bảo tồn những khu vực có giá trị, tổ chức các cuộc thi tuyển phương án và lập quy hoạch chi tiết cho quá trình này.
Trong thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa, việc lập quy hoạch đặc thù cũng đã được đưa vào thực thực thông qua việc tổ chức nghiên cứu một số các quy hoạch lần đầu tiên tổ chức thực hiện tại thành phố Hà Nội như Quy hoạch mạng lưới hệ thống không gian gara ngầm trên địa bàn 04 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa); Quy hoạch không gian ngầm khu đô thị trung tâm TP…
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết thêm, sau khi công tác lập quy hoạch được hoàn thành để đưa vào triển khai thực hiện thì tỷ lệ phủ kín của quy hoạch được duyệt tương đối cao, trong đó quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án đạt 83% (57/63 đồ án đã được duyệt) và tỷ lệ thực hiện theo diện tích đạt 86%. Như vậy có thể khẳng định, công tác lập quy hoạch đã bám sát được với thực tế phát triển của Thủ đô.