Hà Nội ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa hành chính

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc xác định mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong năm 2017 là đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng để xây dựng chính quyền điện tử, nâng chất lượng hoạt động từ các sở, ngành, quận, huyện đến tận cấp xã, thực tế từ đầu năm đến nay, công tác này của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực phục vụ đời sống dân sinh.

Đẩy nhanh xây dựng Thành phố thông minh
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết: 2017 được Hà Nội xác định là năm đột phá căn bản về CNTT, đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống.

Vì vậy, để phục vụ người dân và DN ngày càng tốt, 6 tháng qua, Thành phố (TP) đã xúc tiến hợp tác với các tổ chức công nghệ lớn để đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử và Thành phố thông minh.

Cụ thể từ đầu tháng 3/2017, UBND TP đã ban hành văn bản về việc triển khai đẩy mạnh mua sắm thường xuyên qua mạng, ban hành kế hoạch về phát triển thương mại điện tử năm 2017. Hà Nội cũng vừa lắp đặt 34 trạm phát wifi miễn phí trong khu vực tuyến đi bộ Hồ Gươm và phụ cận phục vụ phát triển du lịch.
 Cán bộ UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT
Đáng chú ý trong lĩnh vực giao thông, TP đang thực hiện thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động qua điện thoại di động iParking trên 2 tuyến Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, có sức chứa 248 xe. Dự kiến ứng dụng này sẽ được triển khai diện rộng trên toàn địa bàn từ ngày 1/9/2017.

Hà Nội cũng đang chuẩn bị xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành của TP, xây dựng và triển khai hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh và các ứng dụng thông minh trong nhiều lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, TP đang chỉ đạo triển khai thí điểm phần mềm “quản lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo tại 5 đơn vị” và hoàn thiện kế hoạch để mở rộng tới các cơ quan, đơn vị khác. TP cũng đã hoàn thành xây dựng, đưa lên Cổng giao tiếp điện tử TP thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập. Đồng thời, mới đây đã tổ chức thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch, số hóa hồ sơ khám sức khỏe của công dân, triển khai phần mềm sổ điểm điện tử cho khối THPT và THCS.

Đặc biệt, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ghi nhận nhiều kết quả khả quan, với những ứng dụng hiệu quả đến tận xã, phường, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, Cổng DVCTT của TP ngày càng thể hiện là kênh tiếp nhận ý kiến của nhiều người dân và DN về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cơ sở dữ liệu dân cư tiếp tục được vận hành khai thác, nhất là các DVC mức độ 3 về khai sinh, khai tử, liên thông tại cả 584 xã, phường, thị trấn với tỷ lệ giao dịch trực tuyến đến nay đạt trên 90%. DVCTT mức độ 3, 4 được triển khai từ đầu năm tại 168 phường, 12 quận và 10 sở thì đến thời điểm hiện tại đã vận hành chính thức 2/3 đợt với 46/96 DVC (đạt 48%), đồng thời đang vận hành thử nghiệm đợt 3 với 32/96 DVC (đạt 33%).

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, UBND TP vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đăng ký danh mục DVCTT mức độ 3, 4 thực hiện năm nay, trên cơ sở đó, chỉ đạo Sở TT&TT thẩm định, đưa vào danh mục triển khai thực hiện. Hiện Hà Nội đã có 374 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 81 TTHC được cung cấp mức độ 4 (gồm cả các đơn vị ngành dọc).

Tăng người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến

Dù đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác hiện đại hóa nền hành chính, song theo Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy, vẫn còn một số tồn tại làm cản trở công tác này của Hà Nội. Trong đó đáng kể là hiện nay, việc kết nối đến Cổng DVC quốc gia để thống nhất cung cấp DVC mức 3, 4 vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Việc kết nối liên thông, ứng dụng các hệ thống thông tin do bộ, ngành triển khai còn gặp không ít khó khăn, không nắm được thông tin, tiến độ, lộ trình triển khai của các bộ, ngành để có kế hoạch triển khai ứng dụng cho phù hợp. Nhất là, sự tham gia của người dân đối với các DVCTT mức độ 3, 4 vẫn tương đối hạn chế.

Trước tình hình này, bên cạnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đẩy mạnh đưa hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào vận hành hiệu quả, tăng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá lại thực chất, tính hiệu quả của việc áp dụng hệ thống này trong các cơ quan, đơn vị để tránh đối phó, lãng phí, trong thời gian còn lại năm nay, TP cũng xác định sẽ triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ về thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU yêu cầu các cơ quan, đơn vị chú trọng tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú để ngày càng nhiều người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, 4.