Nắm bắt tâm tư, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có trên 270.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại một số doanh nghiệp còn tồn tại, hạn chế, còn để xảy ra tình trạng đình công, lãn công xảy ra trong doanh nghiệp.

Ngày 1/11, Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội tổ chức hội nghị tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ trong khối doanh nghiệp” theo Nghị quyết số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Dự và chủ trì hội nghị có Phó trưởng ban Dân vận T.Ư Hà Ngọc Anh; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Phạm Hải Hoa cho biết, thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp đã có tác dụng tích cực, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, góp phần ổn định tình hình doanh nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh. Hà Nội hiện có trên 270.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện QCDC tại một số doanh nghiệp còn tồn tại, hạn chế, còn để xảy ra tình trạng đình công, lãn công xảy ra trong doanh nghiệp. Chính vì thế, việc xây dựng và thực hiện hiệu quả QCDC trong các loại hình doanh nghiệp là yêu cầu, đáp ứng các đòi hỏi thực tiễn trong giai đoạn mới.

 Quang cảnh hội nghị.

Tọa đàm cũng là dịp để đánh giá toàn diện kết quả xây dựng và thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp nói riêng cũng như thực hiện Nghị định 149/2018/NĐ-CP về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Đặc biệt, thông qua buổi tọa đàm, các đơn vị chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả; chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để cùng rút kinh nghiệm.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng, bên cạnh tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động chưa đạt yêu cầu thì một số doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động chất lượng chưa cao, có nơi còn hình thức. Chính vì thế, Thành ủy cần tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy quan tâm nội dung này, đưa thành tiêu chí đánh giá các tổ chức đảng; tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy về tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Trong khi đó, ông Lê Quang Long - Phó Bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất TP Hà Nội, Hà Nội hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, với 653 dự án đầu tư, trong đó có 336 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký 5,9 tỷ USD. Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất TP Hà Nội có 80 tổ chức đảng. Mặc dù số lượng không lớn, nhưng đa số các tổ chức đảng đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, cùng với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của người lao động để tham gia với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trao đổi kinh nghiệm về tổ chức hội nghị người lao động trong doanh nghiệp, ông Trần Văn Chín - Phụ trách công tác Dân vận Đảng ủy Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức rõ việc tổ chức hội nghị người lao động là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong những năm qua, Đảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức, thực hiện tốt hội nghị người lao động.

Với việc tổ chức tốt hội nghị người lao động đã tạo bầu không khí dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Các ý kiến, kiến nghị về chế độ chính sách của người lao động được giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện...

Nhấn mạnh việc thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp hiện nay đang yếu, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Hà Ngọc Anh cho rằng, một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC trong doanh nghiệp là tổ chức tốt các hội nghị người lao động gắn với thường xuyên tiếp xúc, đối thoại; phát động các phong trào thi đua, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có vi phạm như nợ đọng bảo hiểm xã hội, vi phạm các quyền lợi của người lao động...

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, việc xây dựng và thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp là một nhiệm vụ, yêu cầu cần thiết để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững, góp phần ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các tổ chức công đoàn, mà là nhiệm vụ chung của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức, đơn vị.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội đề nghị tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 149/2018/NĐ-CP, Chỉ thị số 04-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt coi trọng việc vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp, coi đây là chìa khóa để thực hiện thành công nhiệm vụ này.

“Cùng với đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ này; chú trọng xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa đảng ủy, các tổ chức công đoàn với giới chủ doanh nghiệp” - Trưởng ban Dân vận Thành ủy nhấn mạnh.