Hà Nội vắng những...trận cầu đinh

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu rồi, Hà Nội không được chọn làm nơi diễn ra các trận đấu chính thức của đội tuyển quốc gia.

Mặc dù sân Mỹ Đình có sức chứa lớn và hiện đại nhất Việt Nam nhưng VFF vẫn quyết định Nam tiến để chọn một nơi ít tiện nghi tổ chức các trận đấu quan trọng của đội tuyển quốc gia và U22. Điều nghịch lý ấy lại hợp lý trong bối cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam khi việc cân bằng tài chính và hình ảnh là yếu tố sống còn trong các sự kiện lớn.

Lâu rồi VFF không chọn Mỹ Đình làm nơi tổ chức các sự kiện quan trọng nếu không bị bắt buộc hoặc nhận thấy cơ hội thành công. Mới đây, họ buộc phải chọn Mỹ Đình làm nơi tổ chức trận đấu giao hữu với U20 Argentina bởi tin rằng, sự kiện này sẽ thành công về mặt tài chính. Nhưng rút cuộc, một lần nữa nếm trái đắng khi hai vạn chiếc vé không thể bù nổi chi phí tổ chức cũng như tiền ra sân cho đội khách.

Đã nhiều lần VFF đã chịu lỗ khi tổ chức trận đấu ở Mỹ Đình. Họ đành cắn răng bởi tổ chức các trận đấu quốc tế là để thực hiện trách nhiệm với nhà tài trợ và xa hơn nữa, nhằm tạo điều kiện cho đội tuyển quốc gia chuẩn bị tốt nhất về chuyên môn cho các đấu trường quốc tế. Mà có một điều lạ, dù Mỹ Đình là sân vận động quốc gia do Bộ VHTT&DL quản lý, nhưng VFF vẫn phải đau đầu với tiền thuê, vì giá cao. Vì thế, nhiều lần VFF đã phải đưa đội tuyển quốc gia, đội tuyển U22 đến Quảng Ninh, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và thậm chí là sân Hàng Đẫy để thi đấu nhằm tránh việc thua lỗ trong khâu tổ chức.

Mới đây, đội tuyển quốc gia một lần nữa phải thay đổi địa điểm tổ chức trận đấu với Jordan trong khuôn khổ vòng loại ASIAN Cup. Lẽ ra trận đấu diễn ra tại Mỹ Đình, nhưng cuối cùng, sân Thống Nhất lại được chọn. Lý do là VFF không thể thống nhất được mức giá thuê sân Mỹ Đình. Sau khi cân nhắc khả năng lỗ - lãi, VFF đã quyết định đưa đội tuyển quốc gia đến sân Thống Nhất dù điều kiện tập luyện và thi đấu không bằng.

Được biết, tới đây, khi VFF đăng cai vòng loại U23 châu Á thì sân Thống Nhất cũng được chọn làm sân nhà của U23 Việt Nam. Cách đây không lâu, VFF đã đăng ký với AFC sẽ chọn sân Mỹ Đình nhưng vì bài toán về tài chính khiến tổ chức này phải thay đổi. VFF không có nhiều tiền nên họ luôn phải đặt bài toán kinh doanh lên hàng đầu. Thế nhưng, hình ảnh của đội tuyển quốc gia, bài toán về chuyên môn cũng như quyền lợi của khán giả cũng phải tính đến. Nếu đá ở Hà Nội, đội tuyển quốc gia sẽ được tiếp sức bởi hơn 4 vạn khán giả và bóng đá Việt Nam sẽ thu được nhiều mối lợi.

Vấn đề lúc này là giữa VFF và Ban Quản lý sân Mỹ Đình cần phải ngồi lại với nhau, đưa ra những giải pháp vì cái chung. Vẫn biết trong hoàn cảnh tự chủ về tài chính, sân Mỹ Đình phải nghĩ đến việc kinh doanh nhưng quyền lợi của người hâm mộ và đặc biệt là sự nghiệp chung cần phải tính đến. Bởi, nói cho cùng, sân Mỹ Đình vốn được xây dựng với nguồn ngân sách cả ngàn tỷ đồng là để phục vụ đội tuyển quốc gia và các sự kiện thể thao lớn của đất nước chứ không phải là nơi tập golf, bán bia, hay những mục đích phi thể thao khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần