Hà Nội: Vì sao đại dự án cải tạo sông Tích gần 7.000 tỷ đồng chậm tiến độ?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 4/3/2016 của UBND TP Hà Nội, giai đoạn I của dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, phân kỳ đầu tư vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Đại dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích có tổng nguồn vốn ban đầu lên tới gần 7.000 tỷ đồng
Đại dự án gần 7.000 tỷ đồng
Theo tìm hiểu, ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND phê duyệt dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì). Tổng mức đầu tư của dự án là 6.914.346 triệu đồng, được chia làm 3 giai đoạn thực hiện.
Mục tiêu đầu tư của dự án là cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp; cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; cải tạo môi trường sinh thái; đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực; xây dựng đường giao thông kết hợp hai bên bờ sông phục vụ giao thông; tạo điều kiện thuận lợi khai thác tiềm năng quỹ đất dọc hai bờ sông Tích phục vụ phát triển kinh tế xã hội phù hợp với quy hoạch phát triển không gian Thủ đô Hà Nội.
Đại dự án này có diện tích sử dụng đất lên tới 482,15ha. Trong đó, diện tích mất đất vĩnh viễn là 386,68ha; diện tích đất tạm thời 95,47ha. Tổng số hộ dân có nhu cầu tái định cư khoảng 550 hộ. Quy mô đầu tư gồm nhiều hạng mục công trình lớn như: Cống lấy nước đầu mối bên bờ hữu sông Đà; Kè bảo vệ khu vực cống đầu mối tại bờ hữu sông Đà dài 269m; các công trình quản lý, hệ thống trạm biến áp, đường dây trung áp, hạ áp; trạm bơm Cẩm Yên...
Bên cạnh đó, nhiều hợp phần dự án sẽ thực hiện cải tạo khôi phục sông Tích gồm 3 đoạn, tổng chiều dài 110,5km. Xây dựng các công trình trên sông như cống điều tiết Đầm Long, cầu Trắng và Tân Trượng. 14 trạm bơm tưới, tiêu nước trên sông Tích; 67 cống tưới, tiêu trên 2 bờ sông Tích và 25 cầu giao thông, dân sinh qua sông cũng nằm trong dự kiến các hạng mục được đầu tư của đại dự án.
Chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng
Căn cứ Quyết định số 4927/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, tiến độ thực hiện dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) kéo dài trong 5 năm, từ năm 2010 và kết thúc trong năm 2015. Tuy nhiên, đến ngày 4/3/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1054/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, phân kỳ đầu tư đoạn 1 giai đoạn I của dự án.
Đại dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực sông Tích
Quy mô đầu tư của giai đoạn I có sự thay đổi với việc sẽ tập trung đầu tư xây dựng khu đầu mối với cống lấy nước đầu mối bên bờ hữu sông Đà; tuyến kênh dẫn thượng hạ lưu cống; Kè bảo vệ khu vực cống đầu mối tại bờ hữu sông Đà dài 269m; các công trình quản lý, hệ thống trạm biến áp, đường dây trung áp, hạ áp…
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng sẽ thực hiện cải tạo, khôi phục sông Tích đoạn I từ cống đầu mối xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì đến cầu Trắng, thị xã Sơn Tây, với tổng chiều dài 27,623km. Đầu tư xây dựng các công trình trên sông như: Phai phòng lũ kết hợp cầu Thuần Mỹ 1; Cống điều tiết Đầm Long; 64 cống tiêu; Trạm bơm Cẩm Yên; 8 trạm bơm tưới và 18 cầu giao thông, dân sinh qua sông.
Tổng mức đầu tư đoạn 1 giai đoạn I là 4.253.765 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách Trung  ương hỗ trợ; Trái phiếu Chính phủ; Ngân sách TP Hà Nội và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Tiến độ thực hiện đoạn 1 giai đoạn I từ năm 2011 đến năm 2020.
Mặc dù vậy, đến nay đã gần hết quý I/2021, đoạn 1 giai đoạn I của đại dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân theo đại diện Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội - chủ đầu tư Dự án) chia sẻ là do tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây gặp nhiều khó khăn.
Khẩn trương hoàn thành các hạng mục công trình
Thống kê cho thấy, tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án trên địa bàn huyện Ba Vì là 287,18ha. Hiện, UBND huyện đã hoàn thành bàn giao được 232,34ha. Diện tích 54,84ha chưa có “mặt bằng sạch” thuộc các xã Cẩm Lĩnh; Thuỵ An; Vật Lại; Tiên Phong; Tây Đằng; Cam Thượng. Diện tích này đã được UBND huyện phê duyệt khoảng 33,2ha và đang tiến hành chi trả; phần còn lại đang rà soát, triển khai lập phương án chi tiết giải phóng mặt bằng.
Các hạng mục công trình thuộc dự án đang được tích cực triển khai xây dựng
Trong khi đó trên địa bàn thị xã Sơn Tây, tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án là 13,1ha thuộc xã Đường Lâm. Đến nay, UBND thị xã đã phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được 13ha, còn lại 0,1ha đang tiếp tục được các đơn vị chức năng của thị xã tích cực thực hiện.
Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đinh Công Sơn cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây trong công tác giải phóng mặt bằng. Thực hiện giải phóng mặt bằng đến đâu, tổ chức thi công các hạng mục công trình đến đó.
Hiện, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành xây dựng cụm công trình đầu mối với cống đầu mối, kênh dẫn hạ lưu cống; kênh dẫn thượng lưu cống. Khối lượng còn lại: khoảng 40m kè bảo vệ và công tác hoàn thiện nhà quản lý vận hành. Lòng dẫn đoạn 1 dài 27,6km đã cơ bản hoàn thành 18km (từ K0 - K18). Cùng với đó, 7 cầu giao thông; 4 trạm bơm tưới; 24 cống tiêu; cống điều tiết Đầm Long cũng đã được xây dựng. Đường 2 bờ sông cũng đã được thi công, cơ bản hoàn thành được 18,0km bờ phải và 13,5km bờ trái.
Đại diện Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết thêm, hiện đơn vị đang tập trung phối hợp với UBND huyện Ba Vì hoàn thành và bàn giao toàn bộ mặt bằng phần diện tích còn lại của đoạn 1 dự án (54,84ha) để phục vụ thi công. Sau khi được bàn giao mặt bằng phần diện tích còn lại sẽ tổ chức thi công nạo vét mở rộng đoạn lòng dẫn từ K18 - K27,6, cùng với các công trình cầu giao thông, cống tiêu, trạm bơm, đường giao thông còn lại của đoạn 1 dự án; lắp đặt thiết bị cơ khí, phấn đấu sớm hoàn thiện cụm công trình đầu mối.