Hà Nội: Vì sao nông sản ở huyện Mê Linh rớt giá?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, giá nông sản ở một trong những vựa rau lớn nhất Hà Nội tại huyện Mê Linh giảm giá sâu. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ.

Giá các loại rau củ quả tại huyện Mê Linh đang giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) được xem là một trong những vựa rau lớn nhất của Hà Nội. Tại đây, trung bình mỗi ngày bà con nông dân cung ứng cho thị trường khoảng 200 - 300 tấn rau củ quả các loại, trong đó nhiều nhất là củ cải, cải ngồng, cà chua, su hào…
Anh Vũ Văn Dương ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) cho biết, gia đình canh tác 4 sào rau ăn lá. Thời gian gần đây (nhất là sau Tết), giá rau giảm sâu, hầu hết chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Giá giảm sâu, nhưng việc tiêu thụ cũng rất khó khăn do nhu cầu thị trường không cao.
Bên cạnh rau ăn lá, hầu hết các loại rau củ quả khác cũng bị rớt giá trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đơn cử như cà chua mua tại vườn chỉ còn 1.300 đồng/kg, củ cải mua buôn có giá 1.000 - 1.500 đồng/kg, su hào dao động từ 500 - 1.000 đồng/củ... So với thời điểm bình thường trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mức giá nông sản giảm đến 60 - 70%.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, nếu như trước đây vựa rau cung ứng cho thị trường từ 200 - 300 tấn/ngày, thì nay sức tiêu thụ giảm còn khoảng trên dưới 80 tấn/ngày. Nguyên nhân theo ông Đua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nông sản của địa phương tiêu thụ khó khăn.
“Ngoài xuất khẩu và tiêu thụ tại Hà Nội, các loại rau củ quả của bà con nông dân trên địa bàn cũng được thương lái các tỉnh, TP về thu mua khá nhiều, trong đó có cả người ở Hải Dương. Chính vì vậy, đợt cách ly y tế đang diễn ra tại tỉnh này cũng ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ…” - ông Đàm Văn Đua cho hay.
Nhiều diện tích rau củ quả tại huyện Mê Linh đang vào độ thu hoạch.
Riêng đối với củ cải, thời gian qua có tình trạng phải nhổ bỏ do không tiêu thụ được. Theo lý giải của ông Đàm Văn Đua là do củ cải đã quá vụ nên phải nhổ bỏ để “vào” vụ mới. Thêm nữa, củ cải sau vụ Tết tiêu thụ khó khăn là câu chuyện đã xảy ra tại vựa rau này nhiều năm qua. Nguyên nhân vẫn là do sức tiêu thụ giảm, do các trường học, khu công nghiệp, chế xuất… chưa hoạt động trở lại. 
“Năm nay nhiều trường học không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, TP phải tạm dừng hoạt động sau Tết để phòng, chống dịch Covid-19, do đó càng khiến tình trạng tiêu thụ củ cải nói riêng và rau màu nói chung trên địa bàn càng trở lên khó khăn hơn…” - ông Đàm Văn Đua nói.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết thêm, diện tích củ cải bị nhổ bỏ chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng diện tích đã cho thu hoạch. Đối tượng bị thiệt hại chính thường các tiểu thương. Sở dĩ vậy là bởi cứ đến thời điểm gần sát thu hoạch, các tiểu thương đã về thu mua cả ruộng từ trước đó.
Ngoài ra, trong một năm, bà con nông dân xã Tráng Việt có thể canh tác được tối đa 5 - 6 vụ củ cải. Trừ vụ củ cải sau Tết, những vụ sản xuất khác trong năm vẫn cho năng suất, chất lượng các loại rau màu tốt. Thu nhập từ rau màu của bà con nông dân nơi đây nhìn chung ổn định.