Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội với du lịch giáo dục: Tận dụng tài nguyên di sản

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại mảnh đất "ra ngõ chạm mặt di sản" như Thủ đô Hà Nội, sẽ là lãng phí tài nguyên khi những điểm đến văn hóa, lịch sử vắng bóng trong các tour du lịch trải nghiệm thực tế phổ biến hiện nay. Nếu làm tốt, phép cộng này có thể tiếp sức mạnh mẽ cho cả chất lượng giáo dục, công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch của địa phương.

Khởi đầu "thông minh" cho dịch vụ non trẻ
Tại Hội thảo về Các giải pháp phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm mới đây, ý kiến đẩy mạnh khai thác Di tích Quốc gia thuộc thị xã Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội, như một điểm đến phục vụ giáo dục di sản của Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường thu hút nhiều sự chú ý.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam.
Theo đó, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm có thể kết hợp với các DN lữ hành, các trường học trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, để xây dựng những tour du lịch ngắn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nơi sở hữu loạt ngôi nhà đá ong hơn 100 năm tuổi này.
Những buổi dã ngoại cho học sinh; chương trình nghiên cứu thực địa dành cho sinh viên ngành văn hóa, du lịch, mỹ thuật; thậm chí các trại sáng tác cho nghệ sĩ, nhà thiết kế… đều là những sản phẩm du lịch giáo dục tiềm năng tại Đường Lâm.
Trên kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát huy giá trị di sản cho Hội An hay Luang Prabang từ buổi sơ khai, nữ chuyên gia Phạm Thị Thanh Hường nhận định, hướng đến các thị trường “khách dễ tính” kể trên là kế hoạch khả thi nhất trong giai đoạn đầu phát triển cho những điểm đến giàu giá trị văn hóa, nhưng còn hạn chế về chất lượng dịch vụ du lịch như Làng cổ Đường Lâm.
Sâu xa, chiến lược này đòi hỏi một sự quy hoạch toàn diện mang tính định hướng. Với Làng cổ Đường Lâm, ngoài việc bảo tồn các giá trị nguyên sơ mang tính học liệu nơi đây, cần tạo dựng thêm các không gian cộng đồng, chẳng hạn như vườn nghệ thuật, bên cạnh việc đổi mới cách thức truyền thông hướng đến mạng xã hội, nhằm tiếp cận đối tượng khách chủ yếu là người trẻ.
Nâng tầm cùng trải nghiệm của du khách
Về với trung tâm TP, giải pháp khai thác tối ưu loại hình du lịch giáo dục lại được ghi nhận ở một cấp độ khác, chẳng hạn là tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi từ lâu đã là điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước muốn tìm hiểu lịch sử khoa cử nước Việt.
Một hạn chế của điểm đến Văn Miếu được nhiều DN lữ hành chỉ ra chính là sự thiếu hụt về trải nghiệm của du khách, khi mà du lịch giáo dục rõ ràng đề cao tính thực tế. Khu trải nghiệm cùng di sản, ra mắt hôm 15/11 vừa qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phần nào hướng đến khắc phục điều này.
Học sinh hóa trang nhân vật lịch sử tại Khu trải nghiệm cùng di sản, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ DN du lịch với Ban quản lý di tích hồi giữa tháng 11/2019, Giám đốc Fivestar Travel Lương Duy Doanh, đồng thời là Trưởng ban Truyền thông CLB Lữ hành Unesco Hà Nội, đề xuất tạo điều kiện cho du khách được đắm chìm trong không gian lịch sử, thông qua việc sắp xếp các hoạt cảnh trong khuôn viên di tích.
Xa hơn, theo đại diện Viettrantour, hoạt động tham quan Văn Miếu thay vì chỉ dừng ở mức độ nghe - nhìn như hiện nay, cần nâng lên khả năng “chạm được vào di sản”, bằng các công nghệ hiện đại, chẳng hạn như công nghệ thực tế ảo (VR) mà du lịch di sản Cố đô Huế đã bắt đầu thực hiện.