Hà Nội vươn lên, trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút vốn đầu tư

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực vượt khó cùng nền kinh tế, Hà Nội vẫn duy trì phát triển toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư tăng khá so với cùng kỳ; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát… Thủ đô đã vươn lên, trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút vốn đầu tư.

Hầu hết các chỉ tiêu đạt khá
Năm 2016, mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Thủ đô có một năm thắng lợi với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,2%, cao nhất trong 6 năm qua. 6 tháng đầu năm 2017, bằng nhiều giải pháp đột phá, phần lớn các chỉ tiêu, kế hoạch, Hà Nội tiếp tục đà tăng, trong đó GRDP ước tăng 7,37% (tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước). Cụ thể: Dịch vụ tăng 7,42%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,55%; nông nghiệp tăng 2,25%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,42%.
 Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải.
Tốc độ tăng tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 7,2%, trong đó bán lẻ tăng 7,1%. Chỉ tiêu xuất khẩu (XK) vượt kế hoạch và cao hơn nhiều năm gần đây với kim ngạch ước đạt 5.789 triệu USD, tăng 12,1% (kế hoạch là tăng 4 - 5%; cùng kỳ các năm 2015 giảm 1,2%, năm 2016 tăng 0,1%). XK của khu vực đầu tư nước ngoài tăng cao nhất, đạt 20,8%. Khách du lịch ước đạt 11,85 triệu lượt, tăng 8%, trong đó khách quốc tế 2,33 triệu lượt, tăng 14%...

Khó khăn trong sản xuất kinh doanh được quan tâm tháo gỡ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét. Trong 6 tháng, số DN thành lập mới đạt trên 13.000 DN (tăng 16%) với tổng số vốn đăng ký trên 101.000 tỷ đồng. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện. Mặc dù không hỗ trợ kinh phí cho DN trong việc bán hàng bình ổn giá, song do thực hiện tốt việc chuẩn bị nguồn hàng và mạng lưới bán lẻ nên giá cả thị trường duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây sốt giá. Tích cực chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm. Ước bình quân 6 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn TP tăng từ 3,8 - 3,86% so với cùng kỳ năm 2016.

"3 ngành mũi nhọn quốc gia: Nông nghiệp - Du lịch - Kinh tế số (công nghệ thông tin) thì du lịch Hà Nội đã khởi sắc mạnh; ngành KH&CN Thủ đô cũng đã có rất nhiều thành tựu vượt bậc, xứng đáng là một trong những địa phương dẫn đầu trong toàn quốc về hoạt động KH&CN, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung." - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

Hoạt động tài chính tiền tệ ổn định. Thu ngân sách của TP ước đạt 102.000 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt tốp cao nhất nước (theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính). Cho vay sản xuất kinh doanh được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, dư nợ tín dụng tăng cao hơn so với tốc độ tăng nguồn vốn huy động. Đến 30/6/2017, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.582.000 tỷ đồng, tăng 8,15% so với thời điểm 31/12/2016 và tăng 16,01% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó cho vay DNNVV chiếm 42%.

Quản lý và phát triển đô thị được tăng cường, có nhiều tiến bộ. Nhờ những chương trình hành động cụ thể, chính sách thiết thực nhằm tăng cường trật tự kỷ cương, văn minh đô thị, bộ mặt đô thị Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Nỗ lực thu hút vốn đầu tư

Những năm gần đây, Hà Nội có sự chuyển biến rõ rệt trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, TP đã thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả, vốn đăng ký ngoài ngân sách ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 58 dự án ngoài ngân sách trong nước đạt 34.177,6 tỷ đồng; 24 dự án thu hút theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đạt 32.103 tỷ đồng; 269 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 1.053 triệu USD, tương đương 23.166 tỷ đồng (bằng 55,2% so với cùng kỳ năm 2016), số vốn thực hiện ước đạt 550 triệu USD. Vốn đầu tư xã hội thực hiện đạt 117.282 tỷ đồng, tăng 9,9%. Nguồn vốn này đang từng bước trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của TP trong thời gian tới.

"Trong 5 tháng đầu năm 2017, TP Hà Nội có 10.530 DN thành lập mới với vốn đăng ký 79.051 tỷ đồng, tăng 12% về số lượng và 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 218.038 DN. Đặc biệt, tỷ lệ đăng ký DN qua mạng điện tử đạt 71% số hồ sơ giao dịch (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 36a/NQ - CP về Chính phủ điện tử đề ra). Đây là kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Luật DN 2014, tạo thuận lợi cho DN trên địa bàn tận dụng những tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển.
Tăng cường xã hội hóa để phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và cuối cùng là giảm thiểu tối đa việc chi ngân sách, Hà Nội cũng đẩy mạnh thu hút dự án mới theo hình thức xã hội hóa, PPP. Ngay từ đầu năm 2017, tại lễ tổng kết ngành tài chính, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng. Hà Nội sẽ ưu tiên tối đa cho các nhà đầu tư có nhiều tiềm năng, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, giao thông, nước sạch, VSMT, chế biến thực phẩm công nghệ sạch...

6 tháng cuối năm phấn đấu tăng trưởng từ 8,3 - 8,6%

Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, TP Hà Nội phấn đấu từ nay đến cuối năm đạt mức tăng trưởng từ 8,3 - 8,6%. Hiện, Hà Nội đóng góp gần 20% GDP của cả nước, trong năm nay TP phấn đấu vượt thu ngân sách từ 5 - 7%...

Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, TP tập trung vào các giải pháp như: Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, sắp xếp cổ phần hóa DN Nhà nước; đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tăng cường quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm; Tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách; tăng cường quản lý trật tự đô thị, đất đai, tài nguyên, môi trường…

Cùng với các nhiệm vụ trên, TP cũng quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đẩy mạnh cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội khác, đặc biệt là quản lý trật tự đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn, an sinh xã hội, ứng dụng CNTT hỗ trợ người dân... cũng tiếp tục được TP triển khai quyết liệt để Hà Nội trở thành một điểm đến an toàn, có môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đến 31/5/2017, Hà Nội thu hút được gần 26,09 tỷ USD với 4.085 dự án còn hiệu lực, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân đạt khoảng 12,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (chiếm 78%), còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản (47%), công nghiệp chế biến chế tạo (28%), thương mại dịch vụ (25%)...