Hà Nội xin cơ chế đặc thù thực hiện 6 dự án cầu vượt sông Hồng, sông Đuống

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù đầu tư 4 dự án cầu vượt sông Hồng gồm: Cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2, công trình Trần Hưng Đạo và 2 cầu vượt sông Đuống gồm Giang Biên và cầu Đuống 2.

Mục đích của cơ chế đặc thù là tạo điều kiện để TP Hà Nội đẩy nhanh và thu hút đầu tư xây dựng 4 cây cầu vượt sông Hồng và 2 cầu vượt sông Đuống nhằm khép kín hệ thống vành đai, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội hai bên sông Hồng. Bởi, hiện các cầu qua sông Hồng của Hà Nội đã mãn tải, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra như Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Chương Dương… Do vậy, cần phải đầu tư xây dựng sớm những cầu vượt này để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn và trong vùng.
Việc triển khai, TP Hà Nội chủ trương đầu tư đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức PPP, tuy nhiên, khó khăn trở ngại là nguồn lực thực hiện. Dự kiến giai đoạn 2017-2021, tổng mức đầu tư vào hạ tầng riêng cho công trình PPP trên địa bàn TP Hà Nội cần 135.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%. Ngoài ra, thông thường, thủ tục đầu tư theo đúng quy định của luật mất rất nhiều thời gian, trong khi tình trạng ùn tắc giao thông và phát triển phương tiện của Hà Nội ngày một nhanh và nghiêm trọng. Bởi vậy, đầu năm 2017, tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với Hà Nội và TP.HCM, Hà Nội cũng đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai các dự án hạ tầng nhằm tiến tới hạn chế ùn tắc giao thông và Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất này.

Trên tinh thần đó, TP Hà Nội xin Chính phủ cho thực hiện theo cơ chế đặc thù để triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Việc thực hiện cơ chế đặc thù vẫn bảo đảm trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc đấu thầu, hạn chế tối đa trình trạng thất thoát hay một cơ chế kiểu xin - cho trong đấu thầu.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, với nhiều hình thức, trong đó có hình thức chỉ định thầu khi cần thiết… Tuy nhiên theo hình thức nào, thì một trong những yếu tố quan trọng là năng lực nhà đầu tư. Năng lực đó UBND TP yêu cầu nhà đầu tư phải đạt các tiêu chí căn bản: có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; có đủ năng lực về tài chính; cam kết thực hiện về vốn; có ký quỹ để trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện chậm, không đáp ứng yêu cầu thì phải mất toàn bộ phần tiền ký quỹ này; phải đảm bảo chất lượng toàn bộ công trình đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đối với đầu tư PPP, TP Hà Nội sẽ cố gắng theo hướng ưu tiên lãi vay thấp nhất. Đơn vị nào có đủ năng lực, đủ nguồn lực tài chính Hà Nội rất sẵn lòng chào đón tham gia làm dự án, trong trường hợp có 3-4 nhà đầu tư có đầy đủ năng lực cùng mong muốn tham gia dự án thì Hà Nội sẽ cân nhắc, đưa ra bài toán để xem nhà đầu tư nào là tốt nhất, phù hợp nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần