Hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh thiếu vốn, nhiều dự án bị chậm tiến độ

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 năm tới, dự kiến TP Hồ Chí Minh cần 925.547 tỷ đồng để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng các công trình xây dựng hạ tầng giao thông cần triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 đã có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng loạt các công trình giao thông đã không thể hoàn thành do thiếu vốn.

Hạ tầng giao thông nằm “la liệt” trên kế hoạch
Theo đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030" (đã được UBND TP phê duyệt trong tháng 1/2021), gồm 639km đường bộ; 78 dự án cầu; 18 dự án nút giao thông; 32 dự án giao thông tĩnh; 5 dự án thuộc Chương trình đô thị thông minh; 211,9km đường sắt đô thị, BRT; 379km đường thủy nội địa. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 952.547 tỉ đồng (gấp gần 20 lần so với tổng kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2015 – 2020). Kinh phí đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP là 457.704 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn khác.
 Kẹt xe trên cầu Bình Triệu, Quốc lộ 13 đã có kế hoạch mở rộng từ 2001 đến nay vẫn nằm trên kế hoạch
Riêng giai đoạn 2021 – 2025, theo kế hoạch cần phải triển khai đầu tư hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông quan trọng và cần thiết, bao gồm 5 tuyến đường liên vùng, một số cây cầu qua sông và một số công trình giải tỏa ách tắc cho các đầu mối giao thông là Sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng Cát Lái… Đối với nhóm các công trình hạ tầng giao thông liên kết vùng như: Nâng cấp, mở rộng QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, TP Thủ Đức), cần 10.000 tỷ đồng;  Đường song hành Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn, vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng; đường trục động lực (song hành QL50 đi qua huyện Nhà Bè và Bình Chánh), vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Ông Lớn, huyện Hóc Môn, vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng...
Đối với nhóm cầu cần xây dựng, gồm: Cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân, vốn đầu tư 325 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 nối TP Thủ Đức và quận 7, vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng; cầu Cần Giờ, nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng
Nhóm công trình giải tỏa ách tắc cho khu vực Cảng Cát Lái và Sân bay Tân Sơn Nhất, gồm 3 dự án, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Đối với tuyến đường Vành đai số 2, tổng nguồn vốn đầu tư là 11.400 tỷ đồng, chia cho các dự án: Đoạn 4 từ QL1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km; Vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy và từ nút giao này đến đường Nguyễn Duy Trinh.
“Ngốn” nguồn vốn đầu tư nhiều nhất trong giai đoạn 2021 -2025 là 2 dự án đường trên cao, tổng vốn đầu tư 32.900 tỷ đồng. Tuyến Số 1, xuất phát từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, đi qua các quận: Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh, dài 9,5km. Tuyến số 5, xuất phát từ nút giao Trạm 2, TP Thủ Đức đến đến An Sương, quận 12, dài 21,5km. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông quan trọng và cần thiết trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 83.000 tỷ đồng.
Đói” vốn
Nếu chỉ nhìn vào đề án, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ nhìn thấy một bức tranh khá lạc quan. Tuy nhiên, nếu nhìn vào điều kiện thực tế, đặc biệt là tình hình đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2015 -2020 vừa qua sẽ cho một cái nhìn khá bi quan. Báo cáo chính thức cho HĐND TP về vấn đề đầu tư cho hạ tầng giao thông vào giữa năm 2020, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở GTVT TP cho biết, trong cả giai đoạn từ 2015 - 2020 vốn dành cho giao thông chỉ hơn 50.000 nghìn tỷ, trong đó vốn dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm đến 50%. Nguồn vốn đầu tư cho công trình kết cấu hạ tầng giao thông của TP chỉ bằng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của TP Hải Phòng, trong khi đó chiều dài các tuyến giao thông của TP gấp 10 lần so với Hải Phòng, dân số gấp khoảng 5 lần.
 Tuyến Metro số 1 vẫn chưa thể hoàn thành, dự kiến cuối năm 2021 sẽ được đưa vào sử dụng
Thiếu vốn và những thay đổi trong chính sách vĩ mô đã khiến cho việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng bị chậm. Trong năm 2020 có 10 công trình hạ tầng giao thông được hoàn thành và 23 công trình khởi công mới. Trong số 10 công trình hoàn thành trong năm 2020, chẳng có công trình nào lớn. Trong số 23 dự án khởi công mới, đáng kể nhất là công trình xây dựng hầm tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo Sở GTVT, trong năm 2020, một số công trình cấp bách, trọng điểm chậm tiến độ theo kế hoạch do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các địa phương thực hiện còn chậm như cầu Thủ Thiêm 2, đường Vành đai 2 (đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; nút giao thông Mỹ Thủy; cầu Phước Lộc; cầu Nam Lý, cầu Bưng, đường Lương Định Của, đường Đỗ Xuân Hợp…). Nguyên nhân là khó khăn về nguồn vốn đầu tư và trình tự, thủ tục đầu tư... Song song đó, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là rất lớn (chiếm tỉ trọng trên 50% tổng mức đầu tư) và mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công…
Để giải quyết bài toán vốn, Sở GTVT đã kiến nghị TP, ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, ngành giao thông tập trung triển khai các công trình trọng điểm trong năm 2021 và giai đoạn trung hạn 2021-2025 theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Trong năm 2021, cần ưu tiên bố trí vốn để sớm tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (lập đề xuất chủ trương đầu tư và lập dự án đầu tư) các dự án trọng điểm, cấp bách như: cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, nút giao thông An Phú; Vành đai 2 (đoạn 1, 2 và 4); Quốc lộ 1, 13, 22, 50,...; đường trên cao số 1, 5...