Hà thành trong dòng chảy thơ Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã là người Việt Nam, chắc chắn, ai cũng có một niềm tự hào sâu sắc về Hà Nội. Mỗi người Việt đều thể hiện tình yêu với Hà Nội theo một cách, song với người thi sĩ thì tình yêu ấy được bộc lộ qua những tác phẩm nghệ thuật.

1.Đầu tiên, Hà Nội đã đi vào những bài ca dao. Hà Nội hiện lên với sự sống động của các vẻ đẹp: con người, phố phường, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, sản vật, ẩm thực… Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An; Rủ nhau chơi khắp Long thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai; Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ...
Hà thành trong dòng chảy thơ Việt - Ảnh 1
2. Trước khi mang tên Hà Nội, Thủ đô đã trải qua những tên gọi: Thăng Long (1010 - 1399), Đông Đô (1400 – 1406), Đông Quan (1407 – 1428), Đông Kinh (1430 - 1786). Trong thi ca Việt Nam thời trung đại, Thăng Long là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả và thậm chí đã trở thành biểu tượng. Điều này quả là có những lý do lịch sử. Như ta đã biết, Đông Đô là cái tên do nhà Hồ đặt và cũng chỉ được dùng trong một thời gian ngắn, triều đại nhà Hồ lại không được lòng dân. Đông Quan là cái tên do nhà Minh đặt khi đô hộ nước ta. Đông Kinh là cái tên được sử dụng từ thời vua Lê Thái Tổ nhưng triều Lê cũng chỉ ghi được dấu ấn thực sự dưới thời vua Lê Thánh Tông trong khoảng 38 năm (1460 - 1497). Chỉ duy có hai chữ Thăng Long, gắn với triều đại Lý – Trần kéo dài gần 4 thế kỷ đã in sâu vào ký ức muôn dân Đại Việt về những thời kỳ tương đối ổn định và phồn thịnh của đất nước. Vì thế, trong một loạt những thi phẩm của các danh gia ở nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX đều sử dụng địa danh Thăng Long như hồi ức về một thời vàng son. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Bà huyện Thanh Quan có ngay hai chữ Thăng Long trong tựa đề (Thăng Long thành hoài cổ): Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Đại thi hào Nguyễn Du cũng có một chùm thơ 2 bài mang tên Thăng Long với những câu: Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng/Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long và Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành/Do thị Thăng Long cựu đế kinh. Cao Bá Quát thì có bài thơ mang tựa đề Thăng Long thành lãm thắng hữu cảm (Cảm xúc khi lên thành Thăng Long ngắm cảnh) cũng với niềm hoài niệm mênh mang: Bậc nhất phồn hoa kinh khuyết cũ/Cao sâu Nùng, Nhị vẫn sơn hà/ Thành trì trơ mấy hồi kim cổ/Phường phố thay bao lớp trẻ già… (Hoàng Tạo dịch).

Sang đến thế kỷ XX, vẫn còn những bài thơ nổi tiếng sử dụng địa danh Thăng Long. Thi phẩm để đời “Nhớ Bắc” của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ có hai câu được bao người ngâm ngợi tâm đắc: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Nhà thơ Đỗ Trung Lai trong những năm đầu của thế kỷ XXI đã có bài thơ Thăng Long (13 khổ, mỗi khổ 4 câu 5 chữ) với điệp khúc “có một Thăng Long” trở đi trở lại trong những câu thơ thứ nhất và thứ ba mỗi khổ: Có một Thăng Long huyền thoại/Rồng lên từ phía sông Hồng/Có một Thăng Long áo mỏng/Gió đùa quanh tấm lưng ong/Có một Thăng Long sát thát/Tinh kỳ rợp Đông Bộ Đầu/Có một Thăng Long thơm ngát/Mặt hoa nồng nàn đêm sâu.

3. Dĩ nhiên, từ nửa sau thế kỷ XX tới nay, cái tên Hà Nội giữ vị trí chủ đạo trong những tác phẩm thi ca. Hà Nội gắn với những câu chuyện riêng, cảm xúc riêng, tâm trạng riêng của từng người. Và sự chân thành trong tình yêu Hà Nội khiến cho những bài thơ ấy lưu mãi trong ký ức người đọc. Có những bài thơ không có từ Hà Nội nào nhưng đầy ắp những địa danh của Hà Nội: Gửi về cho chị Tây Hồ lạnh/Gió cố nhân lùa liễu ho khan/Khói hương Quán Thánh ngô lai nướng/Phố vắng rông dài hai đi hoang/Thiền Quang một miếng thu rớt lại/Ngầy ngậy thơm hoa sữa vắng chồng/Nhật Tân đôi chút sương xuống sớm/Giọng bắc hồ nghi bay thinh không (Gửi chị – Nguyễn Hùng Vỹ). Nỗi nhớ quắt quay da diết của người phải chia xa Hà Nội lâu ngày nay được trở về làm ta xúc động rưng rưng. Đó là tâm trạng nhà thơ Thanh Tùng trong bài thơ “Hà Nội”, sau này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng “Hà Nội ngày trở về”: Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy/Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân… Hà Nội, trong trái tim một người con gái, có thể gắn với nỗi nhớ người yêu rất riêng tư nhưng cũng đủ khiến ta nao lòng: Xa một tuần có lâu quá không anh/Sao em thấy ngày cứ dài đến thế/Đêm Hà Nội thơm nghẹn lòng hoa sữa/Ngôi sao em ngân ngấn khóc chân trời (Đêm Hà Nội, nhớ - Bùi Sim Sim).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần