Hà Tĩnh: làm gì để ứng phó thời tiết cực đoan, bất thường?
Kinhtedothi – Những năm gần đây hình thái thời tiết ở Hà Tĩnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, khó lường, giông lốc, mưa lũ xảy ra bất ngờ với cường độ mạnh. Do vậy, việc chủ động các phương án ứng phó thời tiết cực đoan, bất thường là hết sức quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trận giông lốc vào đầu tháng 5 gây thiệt hại nặng về nhà ở và cây trồng ở huyện miền núi Hương Sơn.
Tháng 5/2025, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra nhiều đợt giông lốc, sấm sét và mưa lũ gây thiệt hại nặng về mọi mặt. Sau trận giông lốc tại huyện miền núi Hương Sơn khiến 25 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng, gần đây chỉ trong vòng 1 tuần sấm sét đã cướp đi sinh mạng của 2 nạn nhân ở huyện Hương Khê và Vũ Quang khi đang ra đồng thu hoạch lúa.
Tiếp đó, trận lũ bất ngờ từ ngày 24/5 đã gây ngập nhà ở, lúa, hoa màu, cuốn trôi rất nhiều gia súc, gia cầm tại huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Hương Khê, Vũ Quang…Thiệt hại lớn về tài sản.

Mưa lũ xảy ra bất ngờ, cường độ mạnh khiến nhiều người dân Hà Tĩnh không kịp trở tay.
“Mưa lớn dồn dập, lũ ồ ạt đổ về bất ngờ gây ngập lúa đã thu hoạch, cuốn trôi gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi, ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân không chủ quan và thực hiện phương án 4 tại chỗ tại từng hộ gia đình rất quan trọng” - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ Võ Tá Kỷ cho biết.
Hà Tĩnh là địa phương thường chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiên tai, bão lũ, rét đậm, rét hại. Gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, dường như quy luật tự nhiên có sự thay đổi dẫn đến việc ứng phó với thời tiết bất thường, nguy hiểm, nhất là cường độ mưa lớn, xảy ra đột xuất đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả.

Hiện nay hàng trăm ha lúa tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang vẫn ngập chìm trong biển nước.
Riêng tại huyện miền núi Vũ Quang, thời điểm này nhiều diện tích lúa đã chín ở các xã Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương… chưa kịp thu hoạch vẫn đang bị nước lũ nhấn chìm. Vùng thấp trũng nước rút rất chậm, cây lúa bị ngâm nước lũ dài ngày sẽ hư hỏng hạt lúa và rơm rạ, khiến mùa màng coi như mất trắng. Do vậy, chủ động các phương án ứng phó với hiện tượng thiên tai bất thường, linh hoạt trong sản xuất, chăn nuôi, phòng tránh thiệt hại rủi ro rất quan trọng.

Người dân vùng lũ huyện Kỳ Anh tập trung dọn bèo tây cứu lúa.

Với phương châm nước rút đến đâu khắc phục hậu quả đến đó, các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng thu hoạch lúa, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hiện nay, các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng thu hoạch lúa, hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, giông lốc, sấm sét nguy hiểm; tiến hành neo giằng nhà ở, cất trữ lương thực, thực phẩm, đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, phòng ngừa thiệt hại.
“Công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai được cập nhật thường xuyên, liên tục để người dân nắm bắt, chủ động triển khai các phương án phòng ngừa. Trong điều kiện thời tiết cực đoan, khó lường, các địa phương và người dân cần tiếp tục theo dõi dự báo thời tiết để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi, ngập lụt khu vực thấp trũng, đô thị, đảm bảo an toàn các công trình giao thông, thủy lợi...” - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh thông tin.

Hà Tĩnh: mưa lũ gây thiệt hại nặng trong sản xuất, chăn nuôi
Kinhtedothi – Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về gây thiệt hại nặng trong sản xuất, chăn nuôi.

Hà Tĩnh: cứu thành công 11 thuyền viên gặp nạn trên biển
Kinhtedothi - Các lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cùng bà con ngư dân đã phát hiện, ứng cứu thành công 11 thuyền viên tàu chở than gặp nạn trên biển.

Hà Tĩnh: tập trung xử lý môi trường sau mưa lũ
Kinhtedothi - Sau mưa lũ, ngành Y tế và các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, phòng ngừa nguy cơ xảy ra dịnh bệnh.