Hà Tĩnh: Người dân sống thấp thỏm dưới những ngọn núi từng sạt lở

Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều hộ dân sống bên núi Bục, núi Chai (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn chưa thể “ăn ngon, ngủ yên” vì nỗi sợ, núi có thể tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào.

 Hình ảnh sạt lở tại núi Bục (xã Cẩm Lĩnh).
Trong trận mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 vừa qua, nhiều hộ dân sống bên chân núi Bục và núi Chai, thuộc thôn xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã phải sơ tán, cầu cứu chính quyền trước tình trạng sạt lở núi uy hiếp tính mạng, tài sản ngày càng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, xã Cẩm Lĩnh có 58 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ lở núi (7 hộ đã làm nhà ở và 51 hộ xây dựng trang trại).
Mới đây, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế&Đô thị tại điểm sạt lở ở khu vực chân núi Bục (thôn 3, xã Cẩm Lĩnh), là đã có hàng ngàn khối đất đá khổng lồ tràn xuống khu vực sản xuất và nhiều điểm đã trôi thẳng vào nhà dân. Hơn 2 tuần nay, từ khi quả núi sạt lở xuống, hàng chục nhà dân nơi đây vẫn chưa hết ám ảnh với sự “cuồng nộ” của núi rừng.
Đất đá đổ xuống đường, có nơi vị vùi sâu gần 1m.
Ông Nguyễn Canh Tuất (69 tuổi, Thôn 3, xã Cẩm Lĩnh) bàng hoàng nhớ lại, “cách đây gần 2 tuần, khoảng 11 giờ trưa, sau tiếng nổ lớn như sấm, hàng nghìn khối đất đá khổng lồ từ trên núi Bục bắt đầu ào xuống khiến trời đất rung chuyển. Lúc đó tôi đang ở trong nhà chạy ra, thì đã thấy một mảng núi lớn bị sập xuống, bùn đất cũng ập xuống theo con mương gần đó”.
Không kịp chuẩn bị gì, ông Tuất gọi vợ sau đó hô hào bà con sơ tán và báo cho chính quyền. Rất may mắn, lượng đất đá đổ xuống chưa tràn vào nhà, nhưng những ngày sau đó hàng chục hộ dân dưới chân núi không ai có thể ngủ được yên giấc.
Cũng theo ông Tuất, lượng đất đá sạt lở khoảng 4ha, đã đổ thẳng xuống chân núi và vùi lấp khoảng 2ha cây keo, cây ăn quả của người dân. Tại đoạn đường bị bùn đất vùi lấp, điểm sâu nhất gần 1m, nếu tiếp tục sạt lở thì bùn đất sẽ san bằng các khu vườn trong khu vực này.
Ông Nguyễn Canh Tuất nhớ lại thời điểm núi Bục sập xuống.
Nằm ngay dưới chân núi Bục, nhà chị Lê Thị Thanh (thôn 3, xã Cẩm Lĩnh) đã 2 tuần nay không thể đi lại vì lượng đất đá sạt lở đã vùi lấp hết đường vào nhà. Mỗi khi thấy trời mưa, chị lại phải đưa con đi gửi nhờ nhà người quen và lúc nào cũng trong tâm thế để chạy trốn vì sợ đất đá đổ xuống.
“Nghe tiếng hô hoán của làng xóm, tôi chỉ kịp ôm 2 con bỏ chạy, từ nhỏ tới giờ chưa thấy cảnh sạt lở ghê gớm như vậy. Bây giờ muốn mua đồ ăn hay ra ngoài tôi phải đi nhờ qua vườn nhà hàng xóm, nhiều ngày nay đất đá vẫn cứ theo dòng nước trôi vào vườn nhà”, chị Thanh kể.
Cách đó không xa, tại núi Chai (xã Cẩm Lĩnh) một lượng đất đá khổng lồ cũng đã ập xuống chôn vùi 5ha ruộng và 6ha đất rừng của bà con thôn 6 (xã Cẩm Lĩnh). Ông Lê Ngọc Thủy, chủ trang trại ngay dưới chân núi nhớ lại, đầu giờ chiều khi cả nhà đang ăn cơm thì nghe tiếng nổ lớn, sau đó mặt đất bắt đầu rung lên. Khi chạy ra xem thì đất đá trên núi đã tràn xuống trang trại, may thay nơi nhà của ông chỉ cách đó khoảng chừng 100m.
Chỉ tay vào đống bùn đất, ông Thủy kể tiếp, “hai hồ cá, hàng trăm gà vịt và tất cả cây hoa màu đều bị bùn đất lấp hết. Năm sau chắc không thể tiếp tục làm lúa được nữa, giờ chúng tôi ở đây cũng như đùa với tử thần”.
Hình ảnh sạt lở tại núi Chai (xã Cẩm Lĩnh)
Qua trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, xã có nhiều điểm sạt lở trong đợt mưa lũ vừa qua, trong đó có 2 nơi sạt lở mạnh là núi Chai và núi Bục. Khoảng 5ha đất trồng lúa đã bị bùn đất vùi lấp hoàn toàn, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục hộ dân sống gần chân núi.
“Hiện tại xã đã xin ý kiến của cấp trên để có phương án hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn khi sạt lở xảy ra. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ định hướng cho người dân chuyển đổi chỗ đất ruộng bị vùi lấp sang loại cây trồng khác”, ông Tùng thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần