Hai bài học từ một sự việc

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/4, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về phương án thay thế cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

Theo đó, đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội về phương án thay thế cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng được chấp thuận.

Năm 2018, với sự tài trợ của một DN, cây phong lá đỏ được đưa vào trồng trên 2 tuyến đường của Hà Nội, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây. Sau hơn 2 năm, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội 45 cây đã chết, những cây còn sống phát triển kém, lá héo, cành, nhánh khô và hay bị sâu bệnh. Tình trạng trên làm xấu cảnh quan đường phố.

Để bảo đảm cảnh quan, đồng bộ hệ thống cây xanh, mỹ quan đô thị, Sở Xây dựng đề xuất với UBND TP Hà Nội các phương án thay thế cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng. Theo phương án 1, sẽ trồng thay thế bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây từ 10 - 1 5cm; chiều cao vút ngọn 6 - 8m. Phương án 2, trồng đan xen giữa 1 cây bàng lá nhỏ có đường kính thân cây từ 10 - 15cm; chiều cao vút ngọn 6 - 8m và 1 cây cọ dầu đường kính 40 - 60cm, chiều cao lộ thân khoảng 2m. Việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới trên dải phân cách tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Như vậy, một quyết định xác đáng đã sửa chữa dứt điểm một sai lầm dây dưa trong một thời gian khá dài. Hơn hai năm trước, với kỳ vọng đưa cảnh sắc châu Âu về giữa lòng Hà Nội, những cây phong lá đỏ đã được trồng trên hai tuyến đường được xem là đẹp nhất của Thủ đô. Không thể phủ nhận tấm lòng mong muốn làm cho Thành phố đẹp hơn của những người thực hiện dự án. Nhưng vấn đề là ở chỗ dự án được thực hiện khá vội vã, có phần chủ quan, không có bước thử nghiệm. Nhiều chuyên gia về sinh học cho rằng, cây phong lá đỏ được trồng ở Hà Nội bị chết chủ yếu do sinh thái không phù hợp. Sai lầm có thể từ quy trình trồng không đầy đủ, không bài bản, nghiêm túc, chưa qua trồng thử đã đưa vào chương trình trồng ngoài tự nhiên.

Điều đáng nói là dự án này lại được “thử nghiệm” trên con đường từng được coi là đẹp nhất Việt Nam, cửa ngõ ra vào Thành phố, đón khá nhiều khách quốc tế và các tỉnh lại qua. Và hơn hai năm qua, hình ảnh hàng phong dở sống, dở chết đã làm xấu cảnh quan Hà Nội, một Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Cả một thời gian dài, biết bao khách quốc tế, nhà báo nước ngoài đã qua lại hai tuyến đường trên khi tham dự và đưa tin về các sự kiện lớn trong nước và quốc tế như cuộc gặp Thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ lần thứ 2, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nhiều sự kiện khác. Hai năm là một thời gian quá dài để tồn tại một sự việc không hợp lý giữa lòng Thủ đô.

Nhắc lại như vậy để thấy quyết định thay thế hàng phong lá đỏ tại hai tuyến phố nói trên là việc làm phù hợp, đầy trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Trong thực tế, không phải bao giờ các quyết định được đưa ra cũng hoàn toàn chính xác, nhất là trong công tác quản lý, vận hành một đô thị lớn như Hà Nội. Vấn đề là khi đã nhận ra cái sai, cần có phương án điều chỉnh, sửa chữa một cách kiên quyết, dứt điểm, như quyết định thay thế hàng phong lá đỏ này.

Từ câu chuyện của cây phong lá đỏ, có thể rút ra hai bài học kinh nghiệm:

Một là, mỗi khi xây dựng, triển khai một dự án liên quan đến đời sống người dân Thành phố, nhất là những dự án mới, lạ, cần có sự thận trọng, tránh làm theo kiểu thấy người ăn khoai thì vác mai đi đào.

Hai là, khi đã nhận ra sai lầm, hãy kiên quyết nhìn thẳng vào thực tế để mà sửa và sửa sớm một cách dứt điểm.

Cũng cần nói là Hà Nội còn không ít những dự án tương tự, thậm chí có sự tác động lớn hơn, cần sự vào cuộc quyết liệt để sửa chữa, khắc phục. Mong rằng tinh thần này tiếp tục được phát huy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần