Muốn tiếp tục phát triển, TP Hồ Chí Minh phải có cao tốc hướng tâm

Khắc Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, 85% diện tích TP Hồ Chí Minh đã đô thị hóa, gần như hết động lực. Do đó, muốn phát triển và tiếp tục dẫn đầu thì phải có đường vành đai, cao tốc hướng tâm để kết nối các đô thị vệ tinh với TP Hồ Chí Minh.

2 cao tốc của TP Hồ Chí Minh hiện nay đều trong tình trạng quá tải.

Chiều 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, vấn đề giao thông hiện tại là điểm nghẽn lớn của TP Hồ Chí Minh, nếu không có kế hoạch tháo gỡ và phát triển thì sẽ khiến tốc độ phát triển của TP bị chậm lại.

“85% diện tích TP Hồ Chí Minh đã đô thị hóa, gần như hết động lực. Do đó, nếu muốn phát triển và tiếp tục dẫn đầu thì phải có đường vành đai, cao tốc hướng tâm để kết nối các đô thị vệ tinh với TP Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 5 tuyến quốc lộ gồm: 1A, 1K, 22, 50 và 52. Theo quy hoạch trong tương lai, chỉ có quốc lộ 50 có 6 làn, còn các tuyến khác đều từ 8 - 12 làn xe. Quy hoạch như vậy nhưng hiện nay tuyến lớn nhất chỉ có 4 làn ôtô. Một phần nguyên nhân do cư dân đã sinh sống ổn định quanh các tuyến đường này từ lâu, nên việc mở rộng sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Cũng theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 4 tuyến đường vành đai. Nhưng hiện nay, tuyến thi công tốt nhất là Vành đai 2 mới đạt 51/64km. Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định, cần sớm hình thành tuyến Vành đai 3 và 4, nếu không giao thông TP Hồ Chí Minh sẽ gặp nhiều khó khăn. “2 tuyến đường này chắc chắn phải làm, nếu ngay thời điểm có quy hoạch, chúng ta có kinh phí giải phóng mặt bằng thì khi có vốn sẽ triển khai rất nhanh và hiệu quả cao. Riêng kinh phí giải phóng mặt bằng của tuyến Vành đai 3 hiện tại khoảng 3.000 tỷ nhưng có thể tăng lên 5.000 tỷ đồng nếu để đến 2 năm sau”, ông Thể cho biết.

Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 6 tuyến cao tốc, nhưng hiện tại mới chỉ có 2 tuyến là TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cũng đang trong tình trạng quá tải. Các tuyến còn lại đang được Bộ GTVT và các tỉnh nghiên cứu nhưng khó khăn về tài chính như: TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước) và Biên Hòa - Vũng Tàu. Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định, nếu tháo gỡ được khó khăn cho các tuyến cao tốc trên sẽ giúp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế phía Nam.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị Trung ương sớm cấp vốn để hoàn thành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ và đề nghị muốn tạm ứng 3.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ tuyến Vành đai 3.

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức hội nghị giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về giao thông. Đồng thời, cũng có một hội nghị khác về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TP Hồ Chí Minh là trung tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần