Hài hòa lợi ích kinh tế và chỉnh trang đô thị

Song Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của Kiến trúc sư Đặng Trung Sơn (Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Thuận Phát) với báo Kinh tế & Đô thị, trước dư luận về việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và đánh thuế căn nhà thứ hai.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có đề xuất về một số sắc thuế liên quan đến thị trường BĐS, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này ?
- Tôi ủng hộ đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi. Vì, chính sách thuế đối với BĐS nhằm mục đích xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó, đối tượng chịu thuế là tài sản nhà, đất, nhất là đối tượng sở hữu nhiều nhà. Đề xuất này cũng góp phần hạn chế đầu cơ BĐS, tránh bong bóng cho thị trường. Cách làm này có thể giúp tăng nguồn cung cho thị trường, giúp nhiều người đến gần với “giấc mơ” an cư hơn. Nhưng nhà chức trách cần đánh giá khả thi và thận trọng khi thực hiện.
Liên quan đến đề xuất tăng thuế VAT lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính, tôi cho rằng, nếu áp dụng thì mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, chi phí vận chuyển, nhân công... tăng lên, giá bán nhà tăng lên. Do vậy, tôi thấy giữ nguyên thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn, bớt tác động đến nền kinh tế hơn.
Theo ông, thị trường BĐS sẽ tác động thế nào đến chỉnh trang đô thị?
- Quản lý Nhà nước về đô thị có chuỗi nhiệm vụ cần phải thực hiện đồng thời. Đó là: Xây dựng và quản lý phát triển; ban hành văn bản pháp luật; quản lý đầu tư xây dựng và thị trường BĐS; cung cấp hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự xã hội; phát triển văn hóa và bảo vệ di sản; kiểm tra xử lý vi phạm đô thị; tổ chức bộ máy hành chính đô thị hiện hữu; giải quyết khiếu nại khiếu kiện...
Trong các nhiệm vụ, thì quản lý đầu tư xây dựng và thị trường BĐS là làm “đau đầu” các nhà quy hoạch, quản lý nhất bởi việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng luôn giữ vai trò mấu chốt, là mắt xích kích thích sự phát triển đô thị. Cho nên, việc đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ dẫn tới tình trạng “né thuế” bằng cách xây dựng cầm chừng, thiếu mỹ quan đô thị. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến các ngành nghề dịch vụ, đặc biệt là du lịch tại các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,  Đà Nẵng, Huế, Hội An, Nha Trang...
Vậy làm cách nào để hài hòa lợi ích kinh tế và chỉnh trang đô thị, thưa ông?
- Chỉnh trang đô thị là quá trình quy hoạch, bố trí, sắp xếp, xây dựng hạ tầng giao thông, các dự án nhà cao tầng hoặc các khu nhà ổ chuột bằng các biện pháp kinh tế thị trường như tái điều chỉnh đất đai. Đây là cơ sở để phát triển cộng đồng dân cư bền vững. Nếu đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai mà quay lại tài trợ vốn cho chỉnh trang đô thị thì quá tốt. Bởi vì, tài chính luôn giữ vai trò quan trọng, là điều kiện trước tiên để có một đô thị đẹp. Sau đó, đến lượt các đô thị đẹp sẽ tạo nguồn thu tài chính cho Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!