Hai mảng màu hôn nhân của người Hà Nội

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa vào công cuộc xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhiều cặp vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống gia đình với hạnh phúc vô bờ, với nhiều niềm tin về một cuộc sống phía trước.

Qua những câu chuyện về tình yêu thời chiến của những cặp đôi sống với nhau hơn nửa thế kỷ, thế hệ trẻ như hiểu được giá trị cốt lõi để giữ lửa hạnh phúc gia đình…

Hôn nhân hơn nửa thế kỷ của các cặp vợ, chồng già

Lâu nay, câu chuyện tình yêu xuyên thế kỷ giữa ông Nguyễn Văn Liêm (sinh năm 1931) và bà Trần Thị Tùy (sinh năm 1934), luôn được người dân ở ngõ 15, phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình nhắc đến để những gia đình trẻ noi gương. Tuy kết hôn với nhau khi tuổi còn khá trẻ nhưng 10 năm đầu do điều kiện công tác ông Liêm và bà Tùy không sống cùng nhau. 10 năm sau, ông bà mới được đoàn tụ, sinh con đẻ cái và cùng nhau phấn đấu.

55 năm chung sống bên nhau, ông Diệu Thưởng, bà Đào Tuyết Loan vẹn tròn hạnh phúc lứa đôi. Ảnh: Trần Thảo

Sống trong thời chiến, cơm ăn không đủ no nhưng các con của ông Liêm, bà Tùy đều chăm ngoan học giỏi. Đến nay, “gia tài” lớn nhất ông bà tích cóp, xây dựng là một gia đình lớn “tứ đại đồng đường” cùng sinh sống êm ấm hạnh phúc. Không giấu nổi niềm xúc động, ông Liêm nhớ lại: “Kết hôn với nhau từ năm 1947, công việc bận rộn cùng với những gian khổ, ác liệt của chiến tranh khiến chúng tôi như quên đi tất cả. Những niềm riêng, sự nhớ nhung vì thế cũng dường như vơi bớt. Nghèo đói về vật chất, thiếu thốn vì xa cách cảm cũng không làm cho tình cảm của chúng tôi vơi cạn”. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi buổi sáng, đôi vợ chồng già vẫn dắt tay nhau đi tập thể dục. Quần áo của ông Liêm vẫn một tay bà Tùy tự tay giặt giũ mà không để con cháu làm thay. Sau 70 năm cùng chung sống, trải qua đủ những ngày cơ cực, buồn tủi nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông bà to tiếng hay cãi vã nhau. Bà lúc nào cũng chăm ông chu đáo, còn ông luôn nhẹ nhàng đỡ đần bà những việc nặng. “Mấy chục năm cùng về với nhau dưới một mái nhà, có vài lần tôi làm sai hay ông ấy làm sai điều gì, thì cả hai gắt lên một chút, rồi lại thôi” - bà Tùy tâm sự.

Không chỉ có ông Liêm và bà Tùy, trong mỗi con ngõ, căn nhà của Hà Nội vẫn thường bắt gặp những hạnh phúc giản dị của các vặp đôi già. Ngồi trò chuyện cùng vợ chồng ông Diệu Thưởng và bà Đào Tuyết Loan (số 2, Hàng Bún, quận Ba Đình) trong căn phòng ngập tràn ký ức qua những bức ảnh về gia đình, chúng tôi như cảm nhận rõ hạnh phúc viên mãn của cặp vợ chồng già. 55 năm chung sống bên nhau, vẹn tròn hạnh phúc lứa đôi, ông Diệu Thưởng tự hào chia sẻ: “Bà ấy dù giờ đã có tuổi vẫn là bóng dáng một mỹ nhân màn bạc thuở nào, thậm chí còn dịu dàng và đằm thắm hơn xưa”. Còn bà Tuyết Loan cũng chia sẻ: “Ngày ấy, nếu không cố gắng thuyết phục mẹ chấp nhận tình yêu thì chúng tôi chưa chắc đã nắm tay nhau đến bây giờ”.

Ngược thời gian về câu chuyện thời tuổi trẻ của ông Thưởng, bà Loan. Ngày ấy, người con gái Hà Nội đã vượt qua bao rào cản để yêu chàng trai xứ Nghệ. Năm 1962, sau bốn năm nuôi dưỡng tình yêu, đám cưới ông bà diễn ra với sự chúc phúc của gia đình hai bên, bạn bè và đồng đội. Gia đình nhỏ của người lính quân y lần lượt chào đón 3 người con nhỏ. Những năm ấy, đơn vị liên tục di chuyển trên các mặt trận, ông gần như không có thời gian dành cho gia đình. Mọi việc lớn nhỏ ở nhà đều do bà quán xuyến. Đến năm 1965 ông vào chiến trường và bị thương, liệt nửa người, bà luôn sát cánh bên ông... “Hôn nhân không phải chỉ có tình yêu, mà còn cần cả tình thương, sự chia sẻ và phải luôn suy nghĩ tích cực về nhau, giải quyết xung đột một cách khéo léo và rộng lượng tha thứ cho lỗi lầm của người kia... có như vậy hôn nhân mới bền chặt” - bà Loan tâm sự.

Ngồi ôn lại kỷ niệm 55 năm chung sống, ông Thưởng thầm cảm ơn người vợ tần tảo, là hậu phương vững chắc giúp ông vượt qua bệnh tật và xây dựng gia đình hạnh phúc. Hơn tất cả, bằng những nỗ lực hàng ngày, ông đã truyền lại cho cậu con trai của mình ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống, còn bà là tấm gương sáng về đức hy sinh và sự tận tâm, tận tụy cho gia đình để các những cô con gái noi theo. “Bố mẹ đều là bộ đội, bố con lại là thương binh chiến đấu ở chiến trường. Chúng ta phải giữ nếp sống thanh bạch, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng bố mẹ vẫn cố gắng nuôi dạy các con ăn học thành những công dân tốt” - bà vẫn nói với các con mình như vậy.

Để cặp trẻ chiêm nghiệm

Quen nhau qua sự giới thiệu từ gia đình nhưng đến với nhau bằng sự tìm hiểu, yêu thương chân thành, Trần Võ Hoài Nam (28 tuổi) và Vương Thị Hoài Thu (24 tuổi) cùng ở phường Điện Biên (Ba Đình) nguyện sống với nhau cả đời. Hai bạn trẻ đã tự nguyện đăng ký tổ chức đám cưới theo nếp sống mới tiết kiệm, văn minh. Theo cặp đôi này, đám cưới không cần quá đình đám, hình thức cầu kì mà chỉ cần tổ chức hợp lí, đơn giản, đảm bảo nét đẹp của truyền thống dân tộc. Điều quan trọng là hai vợ chồng đủ yêu thương, sẻ chia và cảm thông cho nhau thì sẽ nắm tay nhau vượt qua được mọi thử thách trong cuộc sống. Hoài Thu tâm sự: “Mình cho rằng, cái cốt lõi và giá trị tốt đẹp nhất của một lễ cưới là hạnh phúc bền lâu của vợ chồng chứ không nằm ở sự xa hoa của tiệc cưới. Chúng mình được học tập bí quyết giữ lửa hạnh phúc, trải nghiệm những giây phút thiêng liêng trong sự kiện trọng đại của cuộc đời, và đặc biệt là đám cưới theo nếp sống văn minh qua sự giao lưu với các cặp đôi anh đã có hạnh phúc viên mãn”.

Cặp bạn trẻ Trần Võ Hoài Nam và Vương Thị Hoài Thu cùng ở phường Điện Biên (Ba Đình) tại lễ cưới tập thể do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.

Quen nhau được 5 năm, yêu nhau 3 năm và tổ chức đám cưới thân mật tại chùa cách đây không lâu, cặp bạn trẻ An Thanh Thảo (sinh năm 1991), Chu Văn Hiệp (sinh năm 1990) chia sẻ, chúng mình luôn ghi nhớ lời dạy của các sư thầy để cuộc sống lứa đôi sắp tới dù hạnh phúc hay ưu phiền vẫn mãi có nhau, luôn hòa thuận bền vững.

Từng là Bí thư Đoàn phường Thành Công và hiện là học viên lớp nguồn trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, An Thanh Thảo quan niệm: “Để minh chứng cho lời người xưa về vai trò của người giữ lửa hạnh phúc “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, mình nghĩ, việc lựa chọn người bạn đời hiểu được mình, đồng cảm với mình, luôn coi trọng những quyết định của nhau, thực sự đáng được coi là vấn đề mang tính then chốt. Thực sự là, hạnh phúc luôn cần sự vun đắp của cả hai phía. Nhưng để giữ gìn hạnh phúc gia đình, người phụ nữ phải đóng vai trò chủ động, mang tính quyết định. Mỗi phụ nữ cần không ngừng hoàn thiện chính mình, vì bạn là người quyết định đỉnh cao của người chồng và khởi điểm của con cái. Bản thân em sẽ làm tốt vai trò là người xây tổ ấm, là người giữ ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình”.

Đồng tình với người bạn đời Thanh Thảo, chiến sĩ bộ đội Chu Văn Hiệp cũng cho rằng: “3 năm bên nhau, cả hai đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc, có không ít sóng gió, thử thách nhưng đã vượt qua tất cả để đi đến hôn nhân. Chúng tôi rất hiểu nhau từ những đức tính tốt, sở thích cho đến những thói quen xấu. Vì thế, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống hôn nhân, cả hai đều xác định ngoài tình yêu thương, vợ chồng cần cảm thông, sẻ chia, đặc biệt tôn trọng nhau. Như thế hôn nhân mới bền vững. Và để giữ lửa hạnh phúc gia đình, người đàn ông thông minh phải luôn biết quan tâm và che chở cho người phụ nữ bên cạnh mình đến cuối đời, biết cách làm cho tình yêu luôn tươi mới tới lúc đầu bạc răng long”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần