Hải Phòng: Có hay không chuyện một doanh nghiệp bị bỏ quên!

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty CP rác điện Việt Nam là DN nằm trong số các công ty hàng đầu về công nghệ xử lý từ chất thải thành năng lượng sạch hữu ích, phục vụ cho sản xuất và giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm về môi trường.

Thế nhưng, Công ty này đã đi gõ cửa hầu hết các cơ quan chức năng trên địa bàn Hải Phòng để xin chấp thuận chủ trương xây dựng nhà máy chất thải rắn tại Tràng Cát nhưng đến nay dường như đã bị rơi vào quên lãng.

Thực trạng rác thải ở Hải Phòng

Là một TP công nghiệp nên việc phát sinh giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh là vô cùng quan trọng, trong đó có việc xử lý chất thải rắn. Theo thống kê sơ bộ mỗi ngày TP Hải Phòng thải ra khoảng 1.200 tấn rác, nông thôn chiếm 30% trong đó, việc xử lý rác thải ở Hải Phòng còn nhiều bất cập do ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân chưa cao. Mặt khác, hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác còn nhiều hạn chế, nhiều điểm thu gom không phù hợp do vị trí thay đổi, cơ sở hạ tầng không còn phù hợp, cơ sở thiết bị lạc hậu, không đáp ứng được lượng rác thải ngày một tăng trên địa bàn.
Rác thải sinh hoạt khi chưa được thu gom tại xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Hơn nữa, Hải Phòng còn thiếu một quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn toàn TP. Toàn bộ quy trình công nghệ của ngành vệ sinh môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công nghệ hệ thống công trình thu gom, lưu chứa, trung chuyển rác thải của ngành vệ sinh môi trường lại cũ và có phần lạc hậu, các thùng chứa rác, trạm trung chuyển còn thiếu đặc biệt là thiếu mặt bằng dùng cho công nghệ vệ sinh đô thị… Việc xử lý chất thải rắn ở Hải Phòng thiếu sự bài bản chỉ là những bãi chôn lấp tạm thời (vùng nông thôn) nên gây ra việc nước rỉ rác từ các bãi rác không được thu gom, không được đốt, không sử dụng các chế phẩm vi sinh để hạn chế mùi, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao…

Sự nổi bật của dự án rác thải điện

Ông Phạm Thiện Căn - Chủ tịch HĐQT Công ty Rác thải điện chia sẻ, là những người vô cùng tâm huyết trong việc nghiên cứu các ứng dụng xử lý chất thải rắn, hơn nữa Công ty là một trong những thành viên của WEC đã nghiên cứu và sản xuất dây chuyền công nghệ tiên tiến ưu việt “nhiệt khí hóa tồn tính” cho ra sản phẩm; điện năng, khí gas, than sinh học, dầu diesel và tận thu tái chế hầu hết các phế liệu từ rác thải rắn sinh hoạt.
Đây là công nghệ đốt rác trong điều kiện yếm khí phát sinh rồi dùng khí hydro kích hoạt các chất khí thải tạo ra các sản phẩm gọi là DME sau khi lọc và gây áp đưa vào máy phát điện - đây là công nghệ sáng chế mới tiên tiến hơn các công nghệ xử lý rác hiện có đang áp dụng trên thế giới và thuộc bản quyền của WEC. Kết quả cho thấy cứ 1.000kg rác hữu cơ với độ ẩm <60% thu được 1.38Mw.

Công ty sẽ cam kết một nhà máy xử lý chất thải rắn không có ống khói, không có mùi. Đặc biệt dự án này là vốn tự có của Công ty - WEC và vốn vay từ một số tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, dự án này cũng rất thuận tiện vì nó nằm tại Tràng Cát nên trong quá trình xử lý đốt rác sinh hoạt mới thu gom về thì sẽ có sự kết hợp xử lý rác đã chôn lấp lâu năm tại Tràng Cát. Phía Công ty chỉ đề xuất hỗ trợ ít nhất 10 USD/tấn rác thải. Hiện Công ty cam kết với Hải Phòng sau khi được phê duyệt phương án Demo xử lý với công suất 30 tấn/ngày và chủ trương đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại Tràng Cát với công suất 800 tấn/ngày thì phía Công ty sẽ tiến hành xây dựng nhà máy.

Ưu việt là thế, nhưng đến nay mặc dù phía Công ty cũng đã có văn bản gửi cho các Sở ban ngành, UBND TP từ nhiều tháng nay vẫn là bài toán chưa có lời giải? Với mong muốn Hải Phòng chấp thuận chủ trương cho công ty được xây dựng nhà máy để tận thu tái chế các sản phẩm từ chất thải rắn thành điện năng đang rất cần sự vào cuộc từ UBND Hải Phòng để Công ty có thể phát huy được khả năng của mình cũng như giải quyết cho TP nỗi lo bài toán về rác thải.