Hải Phòng: Lễ hội Bạch Đằng Giang tại đền Tràng Kênh

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Hào khí Bạch Đằng Giang”, lễ hội diễn ra trang trọng với 2 phần chính. Phần nghi lễ tâm linh truyền thống và giải đua thuyền rồng trên sông Giá.

 3 pho tượng các bậc danh tướng gắn liền với Khu di tích Bạch đằng Giang
Ngày 23 - 24/4 vừa qua, lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức lễ hội Chiến thắng Bạch Đằng Giang với quy mô cấp Thành phố tại quần thể di tích đền Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên).
Đây cũng là dịp nhằm ôn lại 730 năm chiến thắng Bạch Đằng Giang, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, tại lễ hội Ban quản lý di tích thực hiện 3 không “không thu tiền, không bày bán hàng quán và không xả rác thải bừa bãi”.
Vùng cửa sông Bạch Đằng là 1 địa danh lịch sử gắn liền với 3 trận thủy chiến, biểu tượng cho tinh thần anh dũng chống lại thế lực ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nổi bật nhất trong khu di tích hiện nay là quần thể 3 ngôi đền gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Vào năm 1962 quần thể di tích này được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Bãi cọc Bạch Đằng.
Cả 3 ngôi đền đều được kiến trúc theo dáng cổ, với sự kết hợp kỳ công giữa gỗ và đá tự nhiên, tọa lạc dưới những hàng cây bóng mát, dọc theo một triền núi ven sông, tạo thành vùng sinh thái thơ mộng, trên bến dưới thuyền, sơn thủy hữu tình gắn quyện.
Theo dòng lịch sử, vào năm 938 Đức Vương Ngô Quyền là người đầu tiên tiến hành trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng đánh tan quân xâm lược Nam Hán. Năm 981 Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn đã tái tạo một trận Bạch Đằng Giang 2, đánh tan thủy quân Tống trên dòng sông thiêng này. 300 năm sau, ngày 9/4/1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng với tướng sĩ nhà Trần, cũng đã đạt được một chiến công hiển hách lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng.
 Khu di tích Bạch Đằng Giang
Ngoài bến sông Bạch Đằng là con đường rộng thênh thang, dẫn lối tới những cầu đá nổi, được chạm khắc tinh xảo, tôn thêm vẻ hùng tráng của 3 pho tượng các bậc danh tướng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần