Hải Phòng: Lễ hội Nữ tướng Lê Chân – niềm tự hào của người dân thành phố Cảng

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay Lễ hội Nữ tướng Lê Chân diễn ra từ ngày 22 – 25/3 tại quần thể khu di tích Nữ tướng Lê Chân và đền Nghè, đình An Biên, nhằm khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.

Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được diễn ra hàng năm với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thể hiện lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân, người đã cùng Hai Bà Trưng chống lại quân xâm lược Đông Hán năm 40 sau Công nguyên và là người có công khai hoang lập nên trang ấp An Biên xưa.
 Năm nay Lễ hội Nữ tướng Lê Chân diễn ra từ ngày 22 – 25/3
Lễ hội Nữ tướng Lê Chân có từ rất lâu không ai nhớ chính xác, chỉ biết từ xa xưa hàng năm người dân ấp An Biên đã thường xuyên tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đương cảnh Thành hoàng Nam Hải Uy linh Thượng đẳng tôn thần Thánh Chân Công chúa – một vị nữ tướng tài ba khi đó. Theo lược ký cuốn “Hải Phòng An Biên thần tích bi” hiện được lưu giữ tại đền Nghè, Nữ tướng Lê Chân nguyên quán ở An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).

Bà sinh vào khoảng đầu công nguyên, trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học, bốc thuốc. Bố tên là ông Lê Đao, mẹ là bà Trần Thị Châu, bà là người thông minh sắc sảo nên nhiều người quý mến.

Thời đó, nước ta bị giặc Hán đô hộ, thái thú Tô Định thi hành chính sách bạo tàn, dân ta vô cùng đói khổ. Thái thú Tô Định nghe tiếng bà, muốn cưỡng ép làm vợ, nhưng đã bị bà từ chối, Tô Định oán giận đã sát hại cha bà.

Bà ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, thề không đội trời chung với Tô Định. Sau khi đi thị sát, bà phát hiện ở vùng ven biển có nhiều sông rạch tạo thành các đường thủy nối liền, lòng mừng thầm, nghĩ được trời ban cho nơi che chở. Bà trở về quê cùng người thân đến khai khẩn vùng đất mới, lập nên một làng ven sông gọi là làng Vẻn, là nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay.

Sau này nhớ quê nhà bà đã lấy tên quê gốc đặt tên cho vùng đất mới là “Trang An Biên”, mở thêm chợ mới ở ven sông để tiện cho việc trao đổi buôn bán trong vùng. Cũng tại nơi này bà thu nhận nhiều người có hoàn cảnh giống mình và chiêu mộ binh sĩ để chờ thời cơ trả thù nước rửa mối thù nhà.

Khi đó ở Sơn Tây có hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị cũng đang phát hịch kêu gọi binh sĩ khắp nơi khởi nghĩa để giết Tô Định. Hay tin bà đã lựa chọn ra 100 binh sĩ kéo về Sơn Tây. Trưng Trắc thấy diện mạo khác thường, có chí khí nên đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân Công chúa, đem quân cùng Bình Khôi Công chúa Trưng Nhị tiến đánh Tô Định.

Tại Hải Phòng, để ghi nhớ công đức của vị nữ tướng tài ba, người khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay, bà được nhân dân Hải Phòng suy tôn là Thành hoàng làng, là Thánh mẫu, lập đình, đền, miếu mạo... thờ phụng.

Năm nay lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân diễn ra nhiều hoạt động, bắt đầu bằng lễ dâng hương, sau có lễ yết cáo, khai mạc chợ quê, cùng nhiều hoạt động khác như giải chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, lễ rước bộ, lễ chúc văn, biển diễn trống hội…

Bắt đầu từ 20h ngày 23/3 sẽ diễn ra lễ khai mạc tại khu vực sân khấu trung tâm quảng trường Nữ tướng Lê Chân do Sở Văn hóa & Thể thao chủ trì cùng UBND quận Lê Chân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần