Hai quan điểm về Kiểm toán Nhà nước được giám định tư pháp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) tranh luận về thẩm quyền của các cơ quan có chức năng GĐTP quy định, trong đó có Kiểm toán Nhà nước.

Thêm một kênh giám định lĩnh vực tài chính
Dự Luật đã bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện GĐTP khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người GĐTP theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý. Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định trên là không cần thiết.
Theo quy định của Luật hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động GĐTP trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 Giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Số vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu từ năm 2013 - 2018 không nhiều (241 vụ).
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Như vậy, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu GĐTP trong lĩnh vực tài chính. Nếu giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động GĐTP, phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. "Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động GĐTP" - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Ủng hộ Dự Luật, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng: “Thực tế xử lý án kinh tế, tham nhũng cho thấy đây là việc khó, hay có sự né tránh, đùn đẩy. Trong 5 năm qua mới trưng cầu giám định tài chính 244 vụ việc mà tiến độ vẫn chậm. Nay vào có thêm kênh Kiểm toán Nhà nước với đầy đủ cán bộ có chuyên môn, hoạt động độc lập, khách quan, hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện công tác này. Mà nếu vụ việc cần giám định xảy ra trong lĩnh vực của Bộ Tài chính mà để Giám định viên của tài chính thì có khách quan không?”.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cũng tán thành với việc cần thiết phải bổ sung Kiểm toán Nhà nước thực hiện GĐTP trong Dự Luật này. Theo ĐB, mặc dù lĩnh vực giám định đã được giao cho Bộ Tài chính quản lý, song đây là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các hoạt động có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đây cũng là lĩnh vực then chốt trong quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản Nhà nước cũng như trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, việc giao thêm một cơ quan có nhiệm vụ GĐTP đối với lĩnh vực đặc biệt này cũng là điều hết sức cần thiết.
Cân nhắc thêm
Ở quan điểm ngược lại, nhất trí với việc không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động GĐTP, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu vì khó khăn thực tiễn mà cơi nới về thẩm quyền sẽ không ổn về tổ chức bộ máy. Hơn nữa, vừa qua khi sửa Luật Kiểm toán cũng không đề cập đến nội dung này.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cũng cho rằng, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan của Quốc hội, thực hiện chức năng giám sát. Nếu Kiểm toán Nhà nước phát hiện án tham nhũng chuyển hồ sơ cơ quan điều tra sau đó, cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Đến lúc này lại giao lại cơ quan kiểm toán thì kết luận có đảm bảo khách quan không?
Giải trình làm rõ thêm ý kiến của các ĐB về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, nghiên cứu kỹ để thiết kế quy định này cho phù hợp. "Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có trình độ chuyên môn cao, trong quá trình huy động đóng góp về chuyên môn đối với một số vụ việc độc lập thì đây cũng là một kênh quan trọng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.