“Hái” tiền tỷ từ côn trùng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng bị coi là “khùng” khi quyết định từ bỏ nghề luật sư chuyển sang đầu tư nuôi côn trùng. Thế nhưng chỉ sau 8 năm khởi nghiệp, Lâm Ngọc Kiên, sinh năm 1988, quê Thanh Hóa khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục với trang trại nuôi côn trùng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Đối tác đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi côn trùng của anh Kiên (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Phương Nga
Ý tưởng trên bàn nhậu
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của mình, Kiên cho biết: Vào năm thứ nhất học Đại học Luật (2010), trong một lần đi ăn với bạn bè, được thưởng thức món châu chấu rang, Kiên rất bất ngờ trước món ăn bình dân nhưng lại khá đắt đỏ ở TP. Bởi châu chấu là loại côn trùng quen thuộc có mặt ở hầu khắp các làng quê nhưng lại trở thành đặc sản với giá cao ngất ngưởng. “Ngay lúc đó trong đầu tôi đã lóe lên ý tưởng nuôi thử côn trùng” – Kiên kể.

Nghĩ là làm, ngay hôm sau, chàng trai 8X lên mạng tìm hiểu thông tin và đặt mua một hộp trứng dế về nuôi thử nghiệm. Trong căn phòng trọ rộng khoảng 10m2 của mình, Kiên sử dụng các thùng xốp làm nhà ở cho dế. Hàng ngày cứ đều đặn, sáng đi học, buổi trưa Kiên lại về cho dế ăn và quan sát tập tính sinh hoạt của loại côn trùng này. Do chưa có kinh nghiệm nên đàn dế cứ chết dần chết mòn. Không nản chí, anh lại dành dụm những đồng tiền ăn ít ỏi của sinh viên để đầu tư lứa dế mới, kết hợp học hỏi thêm kiến thức trên mạng. Sau một thời gian, Kiên cũng nuôi thành công lứa dế đầu tiên. Lúc này, khó khăn lại đến với anh khi không tìm được đầu ra cho con dế. Anh phải rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội, vào các nhà hàng, quán nhậu giới thiệu sản phẩm. Cuối cùng, tin mừng cũng đến khi có nhà hàng đặt mua dế thường xuyên.

Đến năm thứ 4 đại học, Lâm Ngọc Kiên quyết định mở trang trại rộng 700m2 ở xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội. Khi đã thành công với việc nuôi và nhân giống đàn dế, Kiên tiếp tục mày mò tìm hiểu nuôi thêm các giống khác như tắc kè, rắn mối, bọ cạp… Trong đó, dế vừa được anh nuôi làm hàng thương phẩm bán ra thị trường, vừa là nguồn thức ăn cho các loại tắc kè, rắn mối...

Kiên thổ lộ, nuôi côn trùng tỉ mỉ giống như chăm trẻ con, nếu không có tình yêu đặc biệt với chúng và thiếu kiên trì thì rất khó thành công. Ví dụ như loài dế thức ăn chỉ đơn giản là rau, cỏ và cám. Tuy nhiên, đây lại là loài vật rất nhạy cảm, nếu rau vẫn tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật thì ngay lập dế sẽ lăn ra chết hàng loạt. Còn loài rắn mối thì ưa khí hậu nóng ẩm, nếu trời lạnh phải chú ý đến nhiệt độ chuồng trại…

Đến “hốt” bạc tỷ

Sau 8 năm khởi nghiệp, đến nay, Kiên đang sở hữu 3 trại nuôi côn trùng với tổng diện tích gần 2.000m2, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Kiên còn hợp tác với 300 hộ vệ tinh khác nuôi dế. Các cơ sở vệ tinh sẽ được Kiên chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh xuất ra thị trường 10 tấn côn trùng các loại, với giá bán dao động khoảng 180.000 đồng/kg dế, 400.000 đồng/kg rắn mối, 250.000 đồng/kg bọ cạp, 400.000 đồng/kg tắc kè… trừ chi phí cho doanh thu lên tới cả trăm triệu đồng. Không chỉ cung ứng ra các tỉnh, thành trong cả nước, trang trại còn xuất khẩu côn trùng sang Thái Lan và thị trường Trung Quốc.

Lê Ngọc Kiên chia sẻ, ngành nuôi côn trùng ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện tại, anh đang hợp tác nghiên cứu để chuẩn bị cho ra mắt sản phẩm tinh bột dế, một loại thực phẩm bổ dưỡng khá mới trên thị trường. “Kinh nghiệm khởi nghiệp mà tôi đúc kết được là nên làm từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó. Đặc biệt, làm việc gì mình cũng phải dành tâm huyết mới có thể thành công được” – Kiên bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần