Haiti: Dịch tả sẽ còn gây hậu quả nặng nề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quan chức Liên hợp quốc khuyến cáo Chính phủ Haiti cần nhanh chóng lập kế hoạch sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở quy mô lớn.

KTĐT - Quan chức Liên hợp quốc khuyến cáo Chính phủ Haiti cần nhanh chóng lập kế hoạch sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở quy mô lớn.

Mặc dù dịch tả bùng phát tại Haiti đang dần được kiểm soát và số ca tử vong đã giảm, song Liên hợp quốc và các quan chức y tế nước này vẫn cảnh báo dịch bệnh vẫn có khả năng lan rộng ra cả nước và tiềm ẩn trong môi trường quốc gia nghèo nhất châu Mỹ trong nhiều năm nữa.

Bộ trưởng Y tế Haiti Gabriel Thimote xác nhận thêm sáu trường hợp tử vong trong ngày 25/10, giảm mạnh so với con số 135 người/ngày hồi tuần trước và 33 người/ngày của ngày 24/10. Tổng số bệnh nhân tử vong từ khi dịch bùng phát đến nay gần 260 người và số người mắc bệnh hơn 3.340 người.

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh hiện nay khá nghiêm trọng, Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Haiti, ông Nigel Fisher nhận định nguy cơ hàng chục nghìn người có thể mắc bệnh tả là hoàn toàn có thực.

Quan chức Liên hợp quốc khuyến cáo Chính phủ Haiti cần nhanh chóng lập kế hoạch sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở quy mô lớn.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới tại thủ đô Washington của Mỹ, Phó Giám đốc Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO) Jon Andrus cảnh báo dịch tả sẽ còn hiện hữu và gây hậu quả nặng nề cho Haiti trong nhiều năm nữa.

Ông Andrus cho biết mặc dù số ca nhiễm bệnh đã giảm, song trong tương lai, có khả năng dịch bệnh này sẽ tái phát do vi khuẩn tả đã bắt đầu "xâm nhập" vào môi trường.

Chính phủ Haiti và các tổ chức nhân đạo quốc tế đang gấp rút điều động đội ngũ bác sỹ, y tá, thuốc men và cung cấp nước sạch tới các khu vực có dịch bệnh. Các chiến dịch thông tin và tuyên truyền ngăn ngừa dịch bệnh tới người dân cũng được đẩy mạnh.

Cùng ngày, Liên hợp quốc cho biết kể từ đầu năm nay, dịch tả tại Nigeria đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người và khiến hơn 38.170 người mắc bệnh.

Mưa lớn đã khiến dịch lan rộng, ảnh hưởng tới công tác khoanh vùng dịch của các cơ quan y tế, đặc biệt là ở các bang nghèo khó ở miền Bắc Nigeria. Đây là một trong những vụ bùng phát dịch tả tồi tệ nhất nhiều năm qua ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này.