Hầm Hải Vân có thể bị đóng cửa vì chủ đầu tư nợ tiền điện

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do mất cân đối phương án tài chính nên đơn vị khai thác vận hành hầm Hải Vân đang chậm thanh toán hơn 2 tỷ đồng tiền điện.

Đường dẫn vào hầm Hải Vân
Chủ đầu tư của hầm Hải Vân là Công ty Cổ phần Đèo Cả cho biết, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã phát văn bản đòi tiền và khẳng định nếu chậm trễ thanh toán ngành điện lực sẽ buộc phải ngừng cung cấp điện. Trong trường hợp xấu nhất nếu không thanh toán số tiền 2 tỷ đồng nợ đúng hạn, hầm Hải Vân hoàn toàn có thể phải dừng hoạt động vì không có điện.
Khi đó công tác đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân sẽ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm bởi khi không có điện, các công nhân làm việc tại hầm này sẽ phải nghỉ làm và các thiết bị an toàn trong hầm cũng không thể hoạt động.
Vấn đề tại hầm Hải Vân bắt nguồn từ khó khăn tài chính của chủ đầu tư. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Đèo Cả, việc mất cân đối tài chính tại nhiều dự án của DN này trong thời gian qua dẫn đến tình trạng thu lỗ kéo dài.
Đơn cử như tại hầm Đèo Cả, kể từ khi chính thức thu phí vào ngày 3/9/2017, chủ đầu tư phải điều chỉnh mức thu phí thấp hơn nhiều so với phương án tài chính đã ký với Bộ GTVT để theo đúng tinh thần nội dung trong Thông tư 35/2016.
Điều này khiến dự án bị thâm hụt lớn về nguồn thu cùng nhiều thiệt hại khác. Theo tính toán thực tế của chủ đầu tư, từ ngày đầu năm 2018 đến ngày 1/10/2018, dự án thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng thâm hụt nguồn thu 7,3 tỷ đồng.
Trước tình trạng trên, Công ty Cổ phần Đèo Cả đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đến Bộ GTVT. Gần nhất, gày 15/10, DN này có văn bản đề nghị Bộ GTVT thống nhất thực hiện thu phí tại trạm thu phí hầm Đèo Cả theo mức giá đã quy định trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã được ký kết.
Chủ đầu tư hầm Đèo Cả cho biết, nếu đề xuất không giải quyết được, sẽ đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng thực hiện việc tiếp nhận lại hầm Đèo Cả để vận hành khai thác, tránh phải dừng vận hành hầm, gây mất an toàn cho người dân.
Hầm Hải Vân gồm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân, giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.
Theo phương án tài chính được Bộ phê duyệt, trạm thu phí Nam Hải Vân sẽ được thu phí từ ngày 1/1/2017 để có nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hạng mục sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân.
Do gặp vướng mắc với trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia (trạm Bắc Hải Vân) đặt tại cửa Bắc hầm Hải Vân, cách vị trí trạm Nam Hải Vân khoảng 12km, dẫn tới không thể thu phí tại trạm Nam Hải Vân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần