Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc, ô nhiễm: Quyết tâm ắt làm được

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/6, UBND TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến hoàn thiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030” (Đề án).

Lãnh đạo UBND TP cho rằng, đây là một trong những vấn đề khó, lớn và nóng nhất hiện nay, nhưng Hà Nội sẽ quyết tâm làm và làm bằng được.

Lo ngại về lộ trình cấm xe máy

Chủ trì cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Đề án vào sáng 13/6 có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng. Đại diện các bộ: GTVT, Tài chính, KH&CN, Xây dựng, Cục CSGT, Bộ Công an… cùng các Sở ngành TP. Nội dung chính của Đề án tập trung vào 6 nhóm giải pháp gồm: Quản lý về số lượng; Quản lý về chất lượng; Quản lý về phạm vi hoạt động của các phương tiện giao thông; Phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.

Cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm trên đường Trần Duy Hưng.  Ảnh: Phạm Hùng

gian chờ đợi lâu…

Một số vấn đề lớn, nổi bật trong Đề án được nhiều bộ, ngành quan tâm là: Lộ trình cấm xe máy trong nội đô TP; Quy định về niên hạn và nhiên liệu của ô tô cá nhân… Tuy nhiên, vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất vẫn là lộ trình cấm xe máy trong khu vực nội thành. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, chỉ nên cấm lưu hành ở một số tuyến chứ không cấm người dân sở hữu xe máy; hơn nữa, nên có lộ trình phân vùng, hạn chế dần để người dân biết và thích nghi. Đại diện Bộ KH&CN đặt câu hỏi: “Trong trường hợp vận tải công cộng không đáp ứng kịp thì có thể thay đổi lộ trình cấm xe máy hay không?”.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc TP hạn chế lưu hành xe cá nhân là cần thiết, giúp giảm UTGT, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Hà Nội cần thực hiện đầy đủ các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế, để thực hiện hiệu quả đề án. Về lâu dài, đại diện các bộ ngành đề xuất Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thấy rõ được hiệu quả của phương tiện công cộng: rẻ tiền, tiện lợi, văn minh..., từ đó sẽ tự nguyện bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng.

Tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp

Phó Vụ trưởng Vụ môi trường, Bộ GTVT Nguyễn Hữu Tiến nhìn nhận, cần có quy định cụ thể hơn về niên hạn sử dụng đối với ô tô cá nhân đến 9 chỗ ngồi. Trước mắt, Hà Nội nên áp dụng các biện pháp kinh tế như tăng thuế, thêm phí bảo vệ môi trường... để hạn chế loại phương tiện này.

Đại diện Bộ LĐTB&XH quan tâm đến giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học để giãn mật độ giao thông giờ cao điểm. Vị này cho rằng điều chỉnh giờ học của học sinh tiểu học trở lên thì dễ, nhưng với các cháu mẫu giáo sẽ khó vì còn liên quan đến giờ làm việc của bố mẹ. Hơn nữa, việc này cần giao cho cả 3 sở: LĐTB&XH, Giáo dục, Nội vụ cùng phối hợp nghiên cứu mới có biện pháp thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: “Quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường là một trong những việc khó, lớn và nóng nhất hiện nay của TP”. Trong số 34 nội dung thực hiện của Đề án thì có 26 nội dung thuộc thẩm quyền của TP, 8 nội dung còn lại TP sẽ trình Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan thống nhất chủ trương để triển khai thực tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chia sẻ, Đề án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đến phân cấp, phân quyền quản lý. “Nhưng nếu thấy khó mà không làm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề; phải mạnh dạn làm, làm có lộ trình, có giải pháp cụ thể. Thế giới cũng đã làm, có thành công, có thất bại; chúng ta rút kinh nghiệm từ những thất bại đó để làm có hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện có gì sai hoặc chưa phù hợp thì sửa, điều chỉnh” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Xe ô tô cá nhân và xe máy tại Hà Nội đang chiếm 85,8% diện tích lưu thông mặt đường; chiếm khoảng 70% trong 6 nguồn gây ô nhiễm chính. Đặc biệt, ô tô cá nhân chỉ chiếm 14,38% lượng phương tiện nhưng chiếm dụng tới 42,18% diện tích mặt đường.
80,19% người dân hiếm khi hoặc chưa bao giờ sử dụng xe buýt. Trong đó: vì xa điểm dừng chờ 38,36%; không tiện nghi 13,24%; phải chuyển tiếp nhiều lần 18,41%; còn lại là vì không biết lộ trình, thời gian chờ đợi lâu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần