Hạn chế sách tham khảo trong nhà trường: Phụ huynh, giáo viên đồng tình

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2020 khi Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai sách giáo khoa (SGK) mới, mỗi bộ sách đều đi kèm nhiều đầu sách tham khảo tương ứng.

Tuy nhiên, thời gian học sinh sử dụng sách tham khảo rất ít, gây lãng phí và băn khoăn cho phụ huynh. Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát tình hình sử dụng sách tham khảo trong trường học và có chỉ đạo chính thức.
Không cần thiết

Thông qua nhiều biện pháp tổng hợp, đặc biệt là hướng dẫn công tác đánh giá (kiểm tra, thi cử) sử dụng kiến thức SGK, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định trong trường học chỉ sử dụng chính thức SGK còn sách tham khảo sử dụng rất hạn chế. Từ đó, Bộ GD&ĐT đề xuất: Các trường học có thể mua sách tham khảo để trong thư viện để giáo viên tham khảo, làm phong phú thêm kiến thức và một số rất ít học sinh có năng khiếu đặc biệt cần mua thêm để sử dụng.
 Nội dung SGK đã đảm bảo đầy đủ kiến thức cần thiết cho học sinh
“Bộ GD&ĐT cơ bản không khuyến khích học sinh dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo, ngoài một số em học sinh có năng khiếu đặc biệt. Nhất là học sinh ở bậc tiểu học thì đổi mới phương pháp dạy và học để giảm áp lực, để học mà chơi, chơi mà học" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Nghe thông tin của Bộ GD&ĐT về việc sẽ hạn chế sử dụng sách tham khảo, tránh lạm dụng sách tham khảo trong trường học, chị Nguyễn Mai Anh, quận Thanh Xuân, Hà Nội rất đồng tình. "Con tôi học lớp 1, mỗi tối, cháu làm hết bài tập cô giao ở SGK đã quá nhiều, làm xong là đến giờ đi ngủ. Gần hết học kỳ II nhưng sách tham khảo của con vẫn mới nguyên. Ngày cuối tuần con còn đi học các môn năng khiếu và vui chơi, cũng không có thời gian đọc sách tham khảo. Tôi thấy việc mua sách tham khảo gây lãng phí vì có nhiều cháu học cùng lớp con tôi cũng trong tình trạng tương tự” - chị Mai Anh chia sẻ.

Về việc sử dụng sách tham khảo, cô Nguyễn Thị Hoài Thu - giáo viên trường Tiểu học Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bày tỏ, trong lớp, mỗi học sinh một trình độ nhận thức khác nhau nên các cô giáo luôn cố gắng làm sao để dạy hết chương trình SGK. Nếu có học sinh nào mua sách tham khảo thì cũng tự nghiên cứu ở nhà. Bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ là kiến thức hoàn toàn nằm trong SGK.

Cần được kiểm duyệt kỹ

Được biết, khi triển khai SGK mới, vào cuối năm học, thư viện các trường học sẽ gửi danh sách bộ SGK và sách tham khảo để phụ huynh tự đăng ký. Rất nhiều phụ huynh đã đăng ký trọn bộ sách vì lo nếu không có sách tham khảo, các phần kiến thức của con sẽ bị hổng hoặc khi cần, ra hiệu sách khó mua, tìm được sách cùng loại. Bên cạnh đó, đọc qua tên sách thì thấy sách tham khảo nào cũng hay, bổ ích và cần thiết cho con. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh phản ánh, con họ không đọc sách tham khảo bao giờ vì không có thời gian và không có nhu cầu.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, ông Đặng Tự Ân - nguyên Chuyên gia trưởng Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam VNEN cho biết: Chủ trương hạn chế sử dụng sách tham khảo trong trường học của Bộ GD&ĐT là rất hợp lý, nhất là đối với chương trình SGK mới. Đặc điểm của sách tham khảo là các em khó có thể tự đọc, tự hiểu mà phải có người giảng, hướng dẫn hoặc chỉ những học sinh giỏi mới hiểu được.

Nhà trường nên mua một bộ hoặc vài bộ sách tham khảo để thầy cô nghiên cứu, học hỏi trong cách ra đề, cách khai thác kiến thức trong SGK. Sách tham khảo có thể biên soạn theo hướng tích hợp các bước của SGK. Như vậy sẽ phù hợp với giáo viên và học sinh bởi nội dung sách tham khảo hiện phần lớn là kiến thức nâng cao, rèn kỹ năng trong khi cái học sinh cần lại là rèn luyện tính sáng tạo.

“Để hạn chế sách tham khảo trong trường học, Bộ GD&ĐT nên khắc phục tận gốc của vấn đề, đó là các sách tham khảo đưa vào trường học phải được Bộ xem xét, kiểm duyệt kỹ nội dung bởi thực tế cho thấy, một bộ SGK đi kèm là 2 - 3 bộ sách tham khảo. Như vậy là làm khó phụ huynh” - ông Đặng Tự Ân bày tỏ.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện một số nhà xuất bản mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, các nhà xuất bản cùng các bộ, ngành liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm để công tác xuất bản, phát hành SGK, đồ dùng dạy học trên tinh thần cầu thị, minh bạch vì học sinh, giáo viên cũng như công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước.