Ngành GTVT Quảng Ninh hạn chế tối đa những rủi ro do thiên tai gây ra

Vĩnh quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/6, Sở GTVT Quảng Ninh tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 cũng như nhiệm vụ của năm 2020.

Thiên tai gây thiệt hại 6 tỷ đồng
Thống kê từ Sở GTVT Quảng Ninh, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như các năm về trước nhưng thiên tai cùng những yếu tố cực đoan, dị thường vẫn diễn ra ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo đó, năm 2019 thiên tai đã gây ra tại tỉnh khiến 1 người chết, 87 nhà bị ngập úng, 2 cột điện hư hỏng thiệt hại khoảng 36,65ha nuôi trồng thủy sản, thiệt hại về vật chất khoảng 6 tỷ đồng.
Hội nghị phòng chống thiên tai bão lũ do Sở GTVT Quảng Ninh tổ chức.
Tại Hội nghị ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, hàng năm mùa mưa bắt đầu diễn ra từ tháng 5 nên Sở GTVT đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ các công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông bước 1 trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa.
Chỉ đạo các đơn vị phòng ban có liên quan để phối hợp đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm sụt lở, ngập nước gây gián đoạn trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các dự án BOT trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa không cấp phép rời bến cảng cho các phương tiện trong điều kiện mưa bão, thời tiết không an toàn.
Hội nghị có 12 tham luận đại diện của các DN các trung tâm liên quan đến phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó kịp thời đối với các tình huống phòng chống và giảm thấp nhất hậu quả do bão lũ gây ra.
Ông Vũ Mạnh Long - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho rằng: Để ứng phó với thiên tai Cảng vụ đã chủ động kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn hoạt động của cảng, bến và phương tiện. Trước khi cấp phép cho các phương tiện rời cảng bến, các đại diện thực hiện cảnh báo trực tiếp tới từng thuyền trưởng, lưu ý trên giấy phép rời cảng về diễn biến thời tiết… bố trí cán bộ trực bão 24/24 nhằm giải quyết các sự việc phát sinh.
Đối với tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thực hiện theo dõi vị trí các tàu qua hệ thống định vị GPS... Ông Long cũng kiến nghị đến Sở GTVT đối với một số cảng, bến có vùng nước kín gió, có điều kiện thuận lợi cho phương tiện neo đậu tránh bão nhưng không nằm trong danh mục các điểm neo đậu tránh bão được công bố. Cảng vụ rất mong Sở GTVT tiến hành kiểm tra khảo sát đối với các cảng, bến trên để xem xét bổ sung vào danh mục các điểm neo đậu tránh bão trên địa bàn.
Đại diện cho Công ty CP Phát triển xây dựng và thương mại số 909 cho rằng là đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc nối với cầu Bạch Đằng phía Công ty tích cực phối hợp trong công tác đường bộ, thường xuyên trao đổi thông tin giữa 2 trung tâm điều hành giao thông tuyến về diễn biến tình trạng cầu đường, lưu lượng giao thông nhằm phân luồng hiệu quả nhất trong suốt thời gian cấm cầu…
Chủ động các phương án phòng chống
Hội nghị nêu ra một số khó khăn như tại Quảng Ninh các tuyến đường bộ trải dài, địa hình phức tạp núi cao, vực sâu, cấp đường thấp và độc đạo, dân cư thưa thớt nên khi có mưa bão thì việc tiếp cận hiện trường, huy động vật tư thiết bị thi công gặp khó khăn, các tuyến đường bị ngập nước gây chia cắt giao thông. Đặc biệt, năm 2019 Quảng Ninh đưa vào hoạt động mới 85 km đường cao tốc nên mức độ ổn định công trình trong quá trình khai thác chưa được đánh giá…
Tình trạng san gạt đồi núi khai thác gỗ, quá trình đô thị hóa đã san lấp các vùng trũng, khu hạ lưu của hệ thống thoát nước để xây dựng công trình đã làm thay đổi địa hình tự nhiên nên khi mưa lớn sẽ gây ngập úng cục bộ trên đường giao thông.
Các tuyến đường thủy nội địa sau mưa lũ nhiều ngày thì tình trạng các tuyến luồng vẫn còn nước lũ, gió to, sóng lớn nên chưa kiểm tra chi tiết ngay việc thiệt hại đặc biệt là các tuyến luồng chịu ảnh hưởng của sóng gió, nước lũ như luồng vịnh Hạ Long, ra đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng, Ba Chẽ.
Về kết cấu hạ tầng giao thông là khó lường về khối lượng, vị trí cụ thể trong khi yêu cầu về giao thông thông suốt là bắt buộc do đó việc khắc phục và thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Kết luận tại Hội nghị, ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra cho ngành giao thông tỉnh Quảng Ninh khi mùa mưa bão đang đến gần chính là chủ động kiểm tra rà soát kết cấu hạ tầng giao thông, các vị trí công trình xung yếu để tổ chức sửa chữa công trình và thi công sớm các công trình sửa chữa định kỳ xong trước mùa mưa bão; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên chủ động chặt tỉa cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy khi xảy ra giông tố.
Xây dựng phương án cụ thể sát với thực tế và thực hiện 4 tại chỗ, nhân lực, vật tư, thiết bị phải sẵn sàng khi có mưa lũ xảy ra. Chủ động phối hợp với các Sở, ngành để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ, tại các bến phà, bến đò…