Khó khăn lớn về ùn tắc giao thông ở Hà Nội vẫn còn hiện hữu

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dẫu dịp Tết Mậu Tuất 2018, giao thông Hà Nội khá suôn sẻ, nhưng theo các chuyên gia, những khó khăn lớn về ùn tắc, mất ATGT vẫn còn hiện hữu.

Vì thế, cùng với dồn sức cho những kế hoạch dài hơi như phát triển hạ tầng, giao thông thông minh... Hà Nội cần có thêm những giải pháp tức thời để kiềm chế ùn tắc giao thông (UTGT).
Tối ưu cách tổ chức

Thạc sỹ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, một trong những nguyên nhân khiến UTGT vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn là Hà Nội chưa được tổ chức giao thông một cách tốt nhất. Ông Thành phân tích, tổ chức giao thông có thể hiểu là công tác phân làn, phân luồng, phân tuyến; quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện. Ngoài ra, các quy định về đường cấm, đường một chiều, nơi cấm dừng, đỗ, quay đầu xe... cũng thuộc phạm trù tổ chức giao thông. “Có thể thấy công tác này đã được cơ quan chức năng của Hà Nội làm rất kỹ trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn có thể làm tốt hơn nữa” - ông Thành nhấn mạnh.
 Đường Nguyễn Chí Thanh sau khi cắt xén giải phân cách giữa. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều chuyên gia cũng nhận định tại một số khu vực, công tác tổ chức giao thông vẫn chưa đạt hiệu quả tối ưu. Ví dụ như: Đường Kim Đồng, Phạm Hùng, nút giao Đại lộ Thăng Long - Vành đai 3; nút giao Pháp Vân - Vành đai 3… Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga chia sẻ, hiện luồng xe tải lớn lưu thông từ hướng QL21A, Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất… vẫn đổ dồn về nút giao Đại lộ Thăng Long - Vành đai 3 để lên đường trên cao, tạo thành một điểm “nóng” giao thông rất đáng lo ngại. Nếu có thể phân luồng cho các xe tải này đi theo hướng Lê Trọng Tấn (Hà Đông), qua đường 70 để ra QL1 cũ rồi từ đó tỏa đi các nơi thì sẽ giảm được áp lực cho khu vực nội thành. “Hay như việc phân luồng cho xe khách từ Bến xe Giáp Bát đi vào đường Kim Đồng rồi vòng lại đường Giải Phóng để đi ra Pháp Vân cũng đang khiến khu vực này thường xuyên xảy ra UTGT, xuất hiện xe khách “rùa bò”… cần phải xem xét, tổ chức lại” - ông Nga nhìn nhận.

Hoàn thiện mạng lưới vận tải

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, sau đợt điều chỉnh luồng tuyến xe khách liên tỉnh trên trục đường Vành đai 3 vừa qua, áp lực trên tuyến này đã giảm hẳn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 400 lượt xe khách quá cảnh Hà Nội (chỉ đi qua chứ không có điểm đầu cuối) theo đường Vành đai 3. Các xe này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của Vành đai 3 mà còn phát sinh hiện tượng dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện, gây mất trật tự, ATGT trên tuyến. Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề xuất với Bộ GTVT cho điều chỉnh lộ trình các tuyến này. Ông Hà nhấn mạnh: “Một khi hoàn tất điều chỉnh hơn 400 lượt xe quá cảnh này, không chỉ Vành đai 3 mà cả các tuyến đường phụ cận cũng sẽ giảm đáng kể áp lực giao thông”.

Ngoài ra, trong năm 2017, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND về tăng cường quản lý phương tiện giao thông. Trong đó quy định sẽ quản lý loại hình taxi công nghệ (Uber, Grab…) như taxi thông thường. Đồng thời Sở GTVT Hà Nội cũng đã trình Thành ủy, HĐND, UBND TP Đề án Quản lý taxi trên địa bàn Thủ đô; Đề án xây dựng điểm dừng đỗ cho xe khách liên tỉnh. Thạc sỹ Phan Trường Thành cho rằng, đây là những giải pháp cần nhanh chóng đưa vào thực hiện ngay. Một khi áp dụng các quy định vào thực tế, việc quản lý hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là taxi, xe khách, bao gồm cả taxi công nghệ sẽ đi vào nền nếp, trật tự. Hiện nhiều tuyến phố vẫn xuất hiện tình trạng xe taxi dừng đỗ tràn lan, gây cản trở giao thông; taxi công nghệ dù bị cấm vẫn lén hoạt động trên các tuyến phố cấm. Hay việc thiếu điểm dừng đỗ cho xe khách đang làm phát sinh hai hệ lụy trực tiếp. Một là người dân đứng ngang đường đón xe, gây mất trật tự, ATGT; hai là người dân, đặc biệt khu vực ngoại thành, phải di chuyển vào trung tâm để đến bến đón xe, làm gia tăng đáng kể áp lực giao thông. “Do đó việc hoàn thiện các quy định về kinh doanh vận tải, điều chỉnh mạng lưới vận tải khách liên tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng với công tác kiềm chế UTGT của Hà Nội, nhất là trong thời điểm này” - ông Thành nhìn nhận.

Tuyên truyền kết hợp xử phạt

Một trong những vấn đề lớn nhất của giao thông Hà Nội hiện nay là ý thức của không ít người tham gia giao thông còn quá kém, vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Theo ông Đặng Chí Nga, TP cần quyết liệt hơn nữa để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. “Việc tuyên truyền đã và đang được làm rất rộng rãi, đều đặn, tuy nhiên chỉ tuyên truyền thôi sẽ là không đủ. Cơ quan chức năng cần kết hợp với các biện pháp xử phạt nghiêm minh, chế tài phạt cần tăng nặng hơn nữa để tăng thêm hiệu quả giáo dục đối với người tham gia giao thông” - ông Nga nhận định.

Một số chuyên gia cho rằng, việc tuyên truyền, kết hợp xử phạt vi phạm giao thông cần bắt đầu từ đội ngũ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên. Lực lượng này phải đi đầu trong việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, quy định về giao thông mới tạo được sức lan toản đến các tầng lớp khác trong xã hội. Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh đến việc quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với người đứng đầu các địa phương để xảy ra vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở, mất trật tự, ATGT hay để phát sinh bến “cóc”, bãi gửi xe trái phép… Ông Đặng Chí Nga chia sẻ: “Lâu nay chúng ta vẫn thường dành sự chú ý đến lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT mà “nhãng" đi vai trò của chính quyền địa phương”.

"Hiện có quá nhiều đường nhỏ phục vụ giao thông nông thôn đấu nối vào các trục chính mà chưa được tổ chức tốt hoặc thiếu hệ thống biển báo, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT. Sở GTVT Hà Nội cần sớm có biện pháp xử lý những bất cập này." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng


"Một số biện pháp như xén dải phân cách giữa đường: Nguyễn Chí Thanh, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng hay đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: cầu vượt An Dương - Thanh Niên, đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long cũng rất cần được TP chú trọng, thực hiện để tối ưu hóa hạ tầng giao thông hiện có." - Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần