Hạn chế vi phạm Luật giao thông: Quan trọng nhất vẫn là giáo dục ý thức

Lê Nguyễn Diệu Anh (Học sinh lớp 9E, trường THCS Đa Tốn huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc sống ngày càng trở nên gấp rút, vội vã với những phương tiện và trang thiết bị hiện đại. Con người vì thế mà sống nhanh hơn; nhất là ở đô thị lớn như Hà Nội.

Điều này có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với tình trạng giao thông của nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng.

Trước hết, tôi không đề cập tới những cái hay, cái đẹp trong giao thông mà các cơ quan chức năng đã đạt được. Tôi muốn nói đến những mặt còn tồn tại, bởi nó song hành với sự phát triển của thời đại mới. Nếu không kịp thời khắc phục sẽ để lại nhiều hậu quả cho thế hệ sau.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên QL1A đoạn qua huyện Thường Tín.  Ảnh: Công Hùng

p>

Không nói đâu xa, những gì hiện hữu trước mắt mình mới là chân thực. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, khu vực ngoại thành Hà Nội được đầu tư ngày càng nhiều con đường liên xã, đường cao tốc. Ở góc độ tích cực, động thái này đảm bảo lưu thông thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Từ khi tuyến đường cao tốc 39 (khu vực Gia Lâm, Đa Tốn, dẫn vào khu đô thị Ecopark) đi vào hoạt động đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Người ta gọi đó là “ngã tư tử thần”, vì vậy bất cứ chủ phương tiện nào qua đây đều nơm nớp lo sợ. Gần đây, lúc 21 giờ 30 phút ngày 27/12/2016 đã xảy ra một vụ tai nạn rất đau thương khiến một người thanh niên bị xe tải kéo lê 20m, tử vong tại chỗ. Con đường nguy hiểm là vậy nhưng không hề có hệ thống đèn giao thông, thậm chí là biển báo nguy hiểm. Người dân bức xúc, lo lắng nhưng biết kêu ai, xin ai, trong khi chưa thấy một ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Chỉ mới lật một mặt nhỏ của tình hình giao thông thôi đã lắng lại nhiều bức xúc. Ngoại thành ít lượng phương tiện giao thông còn vậy, liệu chính giữa đô thị phồn hoa thì sao? Có những con đường tu sửa, đào lên, đập xuống, được vài tháng rồi đâu lại đóng đấy; cản trở rất nhiều việc đi lại của người dân. Biết ý thức chủ quan là chính, nhưng để hạn chế nó, các yếu tố khách quan cũng cần được đẩy mạnh. Các cấp chính quyền phải có biện pháp triệt để hơn, nói đi đôi với làm, vì ATGT còn đi kèm với tính mạng của con người.

Rõ ràng, trong cuộc sống ngày nay, việc tác động đến ý thức thôi nghe chừng chưa đủ. Đã có nhiều hình phạt dành cho chủ các loại phương tiện tham gia giao thông trái phép, biểu hiện nhiều nhất là sử dụng xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Hình thức phạt vào túi tiền nghe có vẻ khả thi, nhưng đối với những người mạnh về kinh tế lại không thành vấn đề. Lâu dần, việc đội mũ bảo hiểm như một hình thức bắt buộc, thay vì bảo vệ mạng sống cho chính mình.

Con người có thể chấp nhận phạt tiền nhưng danh dự thì không hẳn. Ai cũng trọng danh dự bản thân và đều khát khao được đề cao và coi trọng. Vậy tại sao không thử tìm cách tác động tới danh dự đó? Theo tôi, nên lập riêng một trang web chính thức về ATGT của cả nước. Mọi thông tin chính sẽ được đăng tải ở phần trang chủ; bên cạnh đó còn có những mục như khen ngợi những tấm gương có hành động tham gia giao thông và cả phần phê phán những người ý thức kém. Và để mọi người biết đến trang web, thường xuyên cập nhật thông tin thì cần tuyên truyền rộng qua sách báo, thậm chí bản tin thời sự, lâu dần ai cũng biết đến và thường xuyên theo dõi. Không thể chắc chắn trang web sẽ mang đến những hiệu quả bất ngờ, nhưng chắc chắn sẽ cải thiện được phần nào ý thức của người dân.

Quan trọng nhất vẫn là giáo dục. Giáo dục phải ngay từ mầm non, ATGT cần được đưa vào dạy sâu rộng hơn nữa ở các trường học. Thay vì nói đó là luật pháp bắt buộc phải thực hiện, cần giáo dục các em phải thật tự nhiên, “Giáo dục mà như không giáo dục”; phân tích rõ hậu quả của TNGT và khơi gợi trong các em trách nhiệm của công dân tương lai. Lúc này, các em sẽ hiểu và tự ý thức được mình nên làm gì. Bởi, mầm non tương lai nói cho cùng là những chủ nhân quan trọng để xây dựng một xã hội giao thông an toàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần