Hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - “Phối hợp giữa cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS) và Tòa án trong giai đoạn truy tố để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung…” là một trong những quy định đáng chú ý tại Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 6/2/2018.

Theo đó, Thông tư đã quy định rõ việc phối hợp giữa VKS và CQĐT để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cụ thể, VKS và CQĐT phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án. Điều tra viên chủ động gửi đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu đã thu thập được cho kiểm sát viên thụ lý vụ án và thực hiện đầy đủ các yêu cầu điều tra của VKS. Đồng thời, kiểm sát viên thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, nghiên cứu kỹ chứng cứ, tài liệu đã thu thập; kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, chủ động phối hợp với điều tra viên để làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra vụ án; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của CQĐT để bảo đảm điều tra vụ án khách quan, toàn diện theo quy định của BLTTHS.

Trước khi kết thúc điều tra vụ án ít nhất 10 ngày, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá các chứng cứ, tài liệu đã thu thập bảo đảm đầy đủ, hợp pháp. Nếu phát hiện một trong các căn cứ quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này thì bổ sung, khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra. Ngoài ra, đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì CQĐT và VKS phải tiến hành sơ kết, đánh giá toàn diện kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo điều tra giải quyết những vấn đề còn mâu thuẫn, tồn tại và quyết định việc kết thúc điều tra, hướng xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố, Thông tư cũng quy định rõ: Sau khi nhận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra việc chấp hành các thủ tục tố tụng, tính đầy đủ, hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án. Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 183 của BLTTHS. Nếu thấy còn thiếu chứng cứ, tài liệu hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng mà tự mình có thể bổ sung được thì Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên để bổ sung, khắc phục kịp thời; trường hợp không thể bổ sung được thì Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo VKS để xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, trong thời hạn quyết định việc truy tố, nếu thấy vụ án có những vấn đề phức tạp về chứng cứ, tội danh hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo VKS để trao đổi với lãnh đạo CQĐT, Tòa án về hướng giải quyết vụ án. Đối với trường hợp phát sinh những vấn đề phức tạp, VKS chủ động tổ chức họp liên ngành để làm rõ những vấn đề cần phải điều tra bổ sung nhằm bảo đảm việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đúng trọng tâm, triệt để và kịp thời.

Còn trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp không thống nhất được với nhau về vấn đề cần phải điều tra bổ sung thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý hồ sơ vụ án phải chủ trì xây dựng báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để báo cáo với lãnh đạo liên ngành cấp trên trực tiếp xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.