Hạn chế vượt đèn đỏ nhờ thiết bị cảm biến báo động

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở Hà Nội, tình trạng vượt đèn đỏ phổ biến tới mức khiến nhiều người quên rằng đó là hành động vi phạm luật.

Dù ý thức vượt đèn đỏ là sai, nhưng một vài cá nhân, thậm chí cả đám đông vẫn “vô tư” vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác cũng vượt, và hơn hết là vì không có... CSGT. Hệ quả là những vụ TNGT đau lòng hay ách tắc giao thông nghiêm trọng.
 “Vượt”... có tính toán
Chấp hành đúng tín hiệu đèn giao thông, dừng xe khi gặp đèn đỏ là một trong những nét văn hóa của người đi đường, tuy nhiên rất nhiều người đang không tuân thủ quy định này của pháp luật.
Thực tế, cảnh tượng cố tình vượt đèn đỏ đang dần trở nên “bình thường hóa” trong suy nghĩ của người tham gia giao thông. Tại nhiều giao lộ ở Hà Nội như ngã tư Cát Linh - Giảng Võ, Điện Biên Phủ - Trần Phú, Chùa Bộc… phổ biến tình trạng người điều khiển xe ô tô, xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều  gây ách tắc giao thông. Thậm chí, lợi dụng giờ cao điểm, một bộ phận người dân không ngần ngại đầu trần vượt đèn đỏ ngay trước mặt lực lượng chức năng. Những người cố tình vượt đèn đỏ đó có thể là bất cứ ai, một anh thanh niên, một cô gái trẻ hay người già đầu bạc... Họ thường ít bị phạt, bởi đủ "khôn ngoan", tính toán để chỉ vi phạm khi không có bóng dáng CSGT. Vượt lên trên đoàn người đang kiên nhẫn chờ đèn xanh, họ luồn lách, tăng ga, đạp phanh, đánh lái đi xuyên qua dòng xe cộ để… chạy nắng, chạy mưa.

Nút giao thông ngã 5 Ô Chợ Dừa. Ảnh: Hải Linh

Không chỉ xe đạp điện, xe máy vi phạm mà nhiều ô tô cũng tranh thủ vượt đèn đỏ khi không thấy “bóng dáng” lực lượng CSGT, đang đe dọa đến sự an toàn của những người đang tham gia giao thông. Còn những hôm nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40oC, tại các nút giao thông  không có bóng cây, nhiều người bất chấp nguy hiểm vượt đèn đỏ, đi ngược chiều vì không chịu đựng được nắng nóng. Những khi trời mưa, đường trơn trượt, chủ phương tiện phóng nhanh, làm cho nhiều người khác phải phanh gấp, dễ gây tai nạn cho bản thân và người xung quanh.
Ngoài chuyện vượt đèn đỏ, nhiều người đi đường còn bức xúc với tình trạng dừng xe không đúng làn đường. Ở các trụ đèn giao thông thường có kèm đèn xanh cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ. Thế nhưng, có nhiều trường hợp người đi thẳng khi gặp đèn đỏ lại dừng chặn hết làn đường rẽ phải, làm ùn ứ giao thông. Người đi sau dù có bóp còi xin đi vẫn bị những người dừng sai làn đường phớt lờ.
Cần lắp thiết bị cảm biến báo động
Chấp hành đèn tín hiệu giao thông là hành vi đơn giản nhất, thể hiện văn hóa giao thông, nhưng còn nhiều người vẫn cố tình không thực hiện. Các chuyên gia giao thông đều cho rằng nếu không thể xây dựng ý thức chấp hành đèn tín hiệu giao thông bằng cách tuyên truyền, kêu gọi, thì phải dùng những biện pháp khác mang tính nguyên tắc. Để trị “bệnh” vượt đèn đỏ, Hà Nội cũng như các sở, ban, ngành nghiên cứu có thể lắp hệ thống đèn giao thông thông minh gắn thiết bị cảm biến báo động (ngoài camera giám sát). Thiết bị này sẽ phát ra tiếng còi báo động mỗi khi có trường hợp vi phạm giao thông. Thiết bị này có thể hỗ trợ lực lượng CSGT nhắc nhở người đi đường chấp hành đúng luật, giảm ùn tắc.
TS Mai Thúy Hằng - giảng viên trường Đại học GTVT cho rằng, lắp camera hay thiết bị cảm biến báo động nên làm đồng bộ. Từ đó tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa cán bộ trực camera với lực lượng CSGT đang làm việc tại các nút giao thông có lắp thiết bị này. Thông báo cho các đội tuần tra kiểm soát ở trên đường, khi thấy xe vi phạm sẽ chặn lại xử phạt. Ngoài ra, cần lập danh sách chủ xe vi phạm cố tình chây ì gửi lên Cục CSGT phối hợp với các đơn vị đăng kiểm để xử lý; Gửi danh sách biển kiểm soát xe đó qua Cục Đăng kiểm, khi những xe đó đến đăng kiểm, sẽ yêu cầu quay trở lại cơ quan công an để giải quyết vi phạm.
Ngoài ra, cần phát huy, khai thác sức mạnh của các tổ thanh niên xung kích tham gia công tác ATGT do Thành đoàn và TP Hà Nội phối hợp. Các tổ thanh niên xung kích thường đứng ở các chốt đèn giao thông phất cờ nhắc nhở người đi đường dừng đúng vạch, chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Đại diện Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, tại các chốt giao thông, lực lượng CSGT ngoài công tác xử lý các trường hợp vi phạm còn hướng dẫn nghiệp vụ giúp trật tự viên tham gia điều tiết giao thông tốt hơn. Nhờ vậy, rất nhiều trật tự viên thanh niên xung kích ngày càng thuần thục trong công tác nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành đúng tín hiệu đèn giao thông và hỗ trợ tích cực cho lực lượng CSGT thực hiện tốt nhiệm vụ.