Hàn Quốc và những thách thức kéo dài

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Tổng thống Hàn Quốc không có mặt tại Tòa án Hiến pháp đã đẩy chính trường và thương trường nước này đối mặt với một năm 2017 đầy sóng gió.

Mục đích của phiên biện hộ đầu tiên là nhằm tạo cơ hội cho Tổng thống Park có thể trình bày một cách đầy đủ lập trường của bản thân. Tuy nhiên, Tòa án sẽ vẫn tiến hành xét xử bình thường trong phiên biện hộ thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 5/1, bất kể bà Park có mặt hay không.
 Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc.
Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Park Han-cheol tuyên bố, vụ xét xử luận tội lần này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan tới trật tự Hiến pháp Hàn Quốc. Ông Park cho biết, Tòa án sẽ thẩm định mọi căn cứ luận tội mà Quốc hội nêu ra một cách công bằng nhất, không để bị ảnh hưởng bởi bất cứ định kiến nào. Đồng thời, yêu cầu cả phía Quốc hội và Tổng thống Park Geun-hye hợp tác tích cực trong các trình tự xét xử luận tội, sắp xếp lại danh sách những nhân chứng cần thẩm vấn trong phiên biện hộ thứ hai, rà soát lại các chứng cứ đã trình nộp lên Tòa án nhằm kiểm chứng về các căn cứ luận tội.
Trước đó, đầu năm 2017, Tổng thống Park bất ngờ “tái xuất” trước giới truyền thông, sau hơn một tháng im lặng giữa “tâm bão”, phủ nhận mọi cáo buộc “bịa đặt” nhắm vào bà. Động thái này của bà Park được cho là đang cố gắng “bám víu” vào những hy vọng cuối cùng. Tuy nhiên, đại diện Ủy ban giám sát quá trình xét xử luận tội Tổng thống của Tòa án Hiến pháp thuộc Quốc hội chỉ trích hành động tổ chức họp báo của bà Park. Phía Quốc hội cho rằng, việc Tổng thống không trình diện tại Tòa án, đồng thời công bố những vấn đề liên quan tới quá trình xét xử luận tội với giới truyền thông là không thích hợp, không tôn trọng Tòa án Hiến pháp.

Bên cạnh đó, việc đảng Saenuri cầm quyền bị chia tách thành 2 phe sẽ dẫn tới làn sóng cải tổ trên toàn chính trường, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra trong năm 2017. Những tác động từ khủng hoảng chính trị đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc. Điển hình là việc lần đầu tiên kể từ năm 1999 - thời điểm kinh tế gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng tiền tệ quốc tế, chính phủ Hàn Quốc đưa ra mức triển vọng tăng trường kinh tế năm 2017 chỉ ở ngưỡng 2%, thấp hơn nhiều so với dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới. 
Các yếu tố rủi ro đối với nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2017 có thể kể tới tình trạng gia tăng nợ hộ gia đình, nguy cơ sụp đổ thị trường bất động sản, tình trạng tài chính khó khăn của người cao tuổi, sự suy giảm của tiêu dùng nội địa. Khả năng tăng trưởng tiềm tàng của nền kinh tế đã bị tổn hại bởi các yếu tố mang tính cơ cấu như tỷ lệ sinh thấp, hiện tượng già hóa dân số, sự trì hoãn tái cơ cấu DN khiến năng suất giảm. Đây không chỉ là sự thất bại đơn thuần của các chính sách, mà còn là sự thất bại mang tính hệ thống của nền kinh tế Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền Seoul cần phải thay đổi được hệ thống nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào các tập đoàn lớn (chaebol), thay vì chỉ đưa ra chính sách kích thích kinh tế nhất thời. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ sẽ phải tích cực mở rộng tuyển dụng, giải quyết tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần