Hàng giả, nhái “có mặt” tại nhiều phân khúc của thị trường

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường... Mỗi năm lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng kém chất lượng.

Thông tin này được Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Tiến Đạt đưa ra tại Triển lãm ảnh Trưng bày giới thiệu hình ảnh các thành tựu và kết quả 12 năm triển khai chương trình phòng chống hàng giả, hàng nhái, được tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội.
Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Tiến Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
“Dù liên tục đấu tranh, ngăn chặn song hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, các cơ quan thực thi, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với những thách từ vấn nạn này” - ông Nguyễn Tiến Đạt chỉ ra.
Chính vì vậy, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý thì việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, mua bán sử dụng hàng hóa cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm bài trừ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại.
Các đại biểu căt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: Khắc Kiên
Thông tin đưa ra tại Triển lãm cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.
Chỉ tính trong năm 2017 - 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa giả về chất lượng, công dụng 458 vụ vi phạm; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá.
Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Tiến Đạt và lãnh đạo Bộ KH&CN xem triển lãm. Ảnh: Khắc Kiên
Với mục đích đấu tranh và ngăn ngừa hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, Triển lãm ảnh về hàng thật - hàng giả cũng góp phần tuyên truyền và hướng dẫn người dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, mua bán, sử dụng hàng hóa.
Triển lãm sẽ mở cửa trong 3 ngày từ 29/11 - 1/12/2019 tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần