Hàng không là ngành kinh tế chiến lược

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/7 đã diễn ra Hội thảo phát triển hàng không chắp cánh du lịch tại Sầm Sơn, Thanh Hoá.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo một số địa phương, các vụ, ngành và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như hàng không.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
 Bamboo airways là hãng mới nhất gia nhập thị trường hàng không tại Việt Nam
Cùng với đó, lượng hành khách sử dụng máy bay để di chuyển nội địa cũng đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế.
Việt Nam hiện có 21 sân bay đang hoạt động, với tổng công suất khoảng hơn 70 triệu khách/năm, chỉ bằng công suất của sân bay KLIA 1 và KLIA 2 Malaysia (75 triệu khách/năm) cộng lại và hơn công suất sân bay Changi của Singapore (50 triệu khách/năm).
Ben cạnh đó, giá vé máy bay tại Việt Nam cũng đang bị nhiều du khách phàn nàn là quá đắt vào mùa hè. Chẳng hạn bay Hà Nội - Quy Nhơn, mức giá có thể lên tới 3,6 triệu/chặng (chưa kể thuế, phí), đắt không kém bay Hà Nội- TP. HCM, dù quãng đường ngắn hơn.
Không những thế, khách du lịch muốn đến như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Quốc... để nghỉ ngơi, thường phải bay ít nhất là 2 chặng.
Tình trạng quá tải tại các sân bay trung chuyển lớn, khiến hành khách chờ đợi làm thủ tục trong thời gian quá dài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Người ta từng ví, hàng không chính là “đôi cánh” của du lịch. Hàng không phát triển, sẽ giúp du lịch cất cánh, qua đó đẩy nhanh sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.
Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 -2030. Sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
Để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng nói trên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chính phủ Việt Nam phê duyệt sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam hiện đang triển khai 11 dự án, trong đó bảy dự án sẽ hoàn tất trong ba năm tới. Việt Nam cũng sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới đáp ứng được nhu cầu và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.
Các chuyên gia cũng dự đoán, đến năm 2050, ngành hàng không có thể đóng góp 23 tỷ đô la vào GDP của Việt Nam. Do đó, đây sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cần có chiến lược phát lâu dài, bền vững.