Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực trong tháng 10

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh chính thức có hiệu lực từ 1/10.

Điều chỉnh trợ cấp hàng tháng cho quân nhân đã xuất ngũ

Thông tư 130/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, có hiệu lực thi hành từ 25/10. Thông tư điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với các đối tượng trên, tính theo công thức: Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ 1/1/2016 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 12/2015 + 150.000 đồng.

Mức hưởng cụ thể theo số năm công tác sau khi đã điều chỉnh tăng thêm như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.535.000 đồng/tháng; Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.605.000 đồng/tháng; Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.674.000 đồng/tháng; Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.743.000 đồng/tháng; Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.812.000 đồng/tháng.

Kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Bộ Tài chính bảo đảm theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả.

Thời gian nghỉ phép của quân nhân

Thông tư 113/2016/TT-BQP quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 8/10/2016. Thông tư nêu rõ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép hàng năm là 20 ngày (dưới 15 năm phục vụ); 25 ngày (từ đủ 15 đến dưới 25 năm phục vụ); 30 ngày (từ đủ 25 năm phục vụ trở lên).

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, DK được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm. Quân nhân đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1,0 được nghỉ thêm 5 ngày mỗi năm.

Ngoài chế độ nghỉ phép hàng năm, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép đặc biệt không quá 10 ngày, trong những trường hợp như kết hôn, con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp kết hôn; Gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra…

Mức thưởng cho vận động viên thể thao quân đội lập thành tích

Thông tư 138/2016/TT-BQP về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) thể thao quân đội (TTQĐ) được tập trung tập huấn và thi đấu có hiệu lực thi hành từ ngày 27/10/2016.

Cụ thể, vận động viên các đội thể thao quân đội lập thành tích tại các giải thi đấu được thưởng: 75 triệu đồng với vận động viên đạt huy chương vàng ở đại hội thể thao quân đội các nước trên thế giới; 50 triệu đồng với vận động viên đạt huy chương vàng tại giải thể thao quân đội các nước thế giới, Châu Á; 25 triệu đồng với vận động viên đạt huy chương vàng Giải thể thao Quân đội các nước Đông Nam Á; 30 triệu đồng với vận động viên đạt huy chương vàng tại đại hội thể dục thể thao toàn quốc…

Quy định cai nghiện bắt buộc

Từ ngày 30/10, Nghị định 136/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chính thức có hiệu lực.

Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn hai năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định cũng là những đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hướng dẫn xếp lương và phụ cấp lương Tập đoàn viễn thông quân đội

Từ ngày 10/10/2016, Nghị định 121/2016/NĐ-CP về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với tập đoàn viễn thông quân đội giai đoạn 2016 – 2020, chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổng công ty và công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nghị định quy định rõ việc xếp lương và phụ cấp theo đối tượng là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp tiếp tục xếp lương, phụ cấp lương theo thang lương, bảng lương và phụ cấp lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Các đối tượng không thuộc đối tượng xếp lương theo quy định tại Điều 4 của Nghị định thì xếp lương, phụ cấp lương theo thang lương, bảng lương do công ty xây dựng, quyết định theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương…

Quy định nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Vừa qua, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 19/2016/TT-BTNMT về báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ bao gồm: Đánh giá chung về các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, các loại hình chất thải đặc trưng và các vấn đề môi trường chính (nếu có) của ngành, lĩnh vực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ môi trường; Định hướng công tác bảo vệ môi trường trong năm tới và đề xuất, kiến nghị.

Thông tư 19/2016/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.

Hoạt động khuyến khích đầu tư phát triển rừng ven biển

Nghị định 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.

Theo đó, quy định một số hoạt động nhằm khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển như sau: Đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông lâm kết hợp và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trong khu vực có rừng ven biển; Đầu tư công trình gây bồi, chống xói lở bờ biển, phục vụ rừng ngập mặn ven biển, phát triển du lịch sinh thái; Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất, khoán rừng, cho thuê rừng ven biển để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.