Hàng quán vây sân chơi khu tập thể

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại nhiều khu chung cư cũ ở Hà Nội, giữa hai khối nhà luôn được bố trí một diện tích rộng làm sân chơi phục vụ nhu cầu của cư dân.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn diện tích này tại nhiều khu tập thể (KTT) đã không còn phát huy đúng chức năng của nó.

Ăn gì, mua gì... vào sân  khu tập thể

Khảo sát một vòng khu vực sân chơi giữa các khu nhà tập thể có thể thấy rất nhiều mảnh sân quý giá đã bị biến thành chợ cóc, hoặc trở thành quán café, hàng ăn nằm san sát nhau. Nằm sát mặt hồ Giảng Võ, nhà B1 có gần 300m2 sân thông thoáng, được lắp đặt một số dụng cụ tập thể dục nhưng từ nhiều năm nay, người dân đã không còn được sử dụng sân chơi này một cách thoải mái. Nguyên nhân là một loạt quán ốc, café, bánh mỳ của những hộ dân tầng 1 kê bàn ghế hoạt động nhộn nhịp khắp mặt sân từ sáng đến tối.
Hàng quán vây kín khu vực sân chơi, cầu trượt của trẻ em tại sân C6 - C9 Kim Liên. Ảnh: Vũ Lê
Hàng quán vây kín khu vực sân chơi, cầu trượt của trẻ em tại sân C6 - C9 Kim Liên. Ảnh: Vũ Lê
Tương tự, tại khu C tập thể Kim Liên, những mảnh sân chơi giữa các dãy nhà C4, C5, C6, C9 giờ đây đã mọc kín hàng quán, biển bảng quảng cáo. Từ hàng quà vặt phục vụ tuổi teen như chè thạch, nộm bò khô, bánh mỳ que... đến những hàng ăn phục vụ dân công sở như bánh đa cua, bún ốc, bún đậu... Buổi trưa, nơi đây không còn là một sân chơi của khu tập thể mà giống như một phố ẩm thực nào đó của Hà Nội. Hàng quán san sát, giá cả bình dân nên đã kéo khách lạ về KTT ngày một đông, càng làm cho không khí tại các mảnh sân chơi tại đây ồn ã từ sáng đến chiều. Bà Trần Thị Phương, sống tại phòng 101, nhà C5 Kim Liên bức xúc, nhà có người già, cháu nhỏ nhưng vào buổi trưa không thể ngủ do khách ăn cơm, uống rượu tại quán cơm bình dân ngay trước cửa nói năng ầm ĩ.

Tình trạng này cũng đang phổ biến tại sân chơi các KTT Thành Công, Phương Mai, Quỳnh Mai, Thanh Xuân Bắc..., nơi có mật độ dân cư đông với mức sống không cao, việc mua bán, ăn uống chủ yếu vẫn chuộng hàng rong, quán cóc. 

Chỉ có thể dẹp gọn?

Mặc dù tại nhiều khoảng sân chơi, các quận đã bố trí lắp đặt các thiết bị vui chơi, tập thể thao phục vụ cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, những thiết bị này hình như chỉ để “điểm xuyết” thêm cho khung cảnh chật chội với những ô dù, bàn ghế, biển bảng kín các mặt sân. Bà Trần Thị Lê - Tổ trưởng Tổ dân phố 22, phường Kim Liên cho biết: “Tại sân chơi giữa nhà C6 và C9, từ đầu năm, quận Đống Đa đã cho lắp đặt một cầu trượt to đẹp nhằm để các cháu vui chơi vào dịp hè năm nay. Tuy nhiên, từ ngày cầu trượt được dựng lên, các cháu chưa một lần được vui chơi cho đúng nghĩa. Xung quanh chân cầu trượt, hàng bún phở, chè cháo quây chặt bằng bếp than tổ ong, bán ghế, tủ bát đũa... Sợ nguy hiểm nên các bậc phụ huynh không dám để con em vui chơi tại khu vực đó”. Bức xúc trước thực trạng này, cư dân tại các khu nhà tập thể đã bằng nhiều cách để lấy lại như vận động, ký cam kết, nhưng chỉ ngày một ngày hai lại đâu vào đấy. Để tự tạo khoảng không vui chơi thư giãn an toàn, ngay tại sân giữa C6 và C9 Kim Liên, người dân đã tự bỏ tiền ra quây lại một khoảng nhỏ bằng hàng rào gạch cao khoảng 20cm. Người già, trẻ nhỏ trong khu lựa mình vui chơi, thư giãn trong cái sân chơi nhỏ bé giữa cái sân to đã bị chiếm dụng gần hết.

Ông Nguyễn Quang Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên cho rằng, lấn chiếm sân chơi để bán hàng ăn uống là vấn đề nan giải không chỉ trên địa bàn phường này. Tại nhiều KTT cũ, những hộ tầng 1 thường lấn chiếm khoảng không phía trước sát khu vực sân chơi. Sau đó, mở hàng quán rồi tận dụng sân chơi rộng rãi trước cửa để kê bàn ghế cho khách ngồi ăn uống. Có cả những hộ tầng cao với lý do kiếm kế sinh nhai cũng xuống buôn bán, cứ như thế mật độ hàng quán tại các mảnh sân ngày càng dày đặc. Lực lượng chức năng của phường thường xuyên nhắc nhở, dẹp đuổi nhưng khi đi khỏi là họ lập tức tái diễn.

Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên phường không thể tổ chức cắm chốt thường xuyên tại tất cả các điểm sân chơi này. Theo ông Sơn, cấm triệt để các hộ dân mở hàng quán là điều rất khó, cũng không thể xây tường bao quây lại sân chơi, nên thời gian tới, phường đề nghị quận Đống Đa, TP cho phép quy hoạch hàng quán hoạt động gọn tại một góc sân nhất định, phần sân còn lại phải được bảo đảm cho tất cả người dân KTT có được chỗ vui chơi, thư giãn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần