Hàng Tết bán ì ạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng... thị trường vẫn khá trầm lắng, chỉ nhúc nhích ở nhóm hàng biếu tặng, quần áo hay hàng tiêu dùng.

Sáng cuối tuần (18/1), chợ Phú Lâm (quận 6, TP HCM) vẫn rất vắng khách. Chị Đặng Ngọc Thanh - bán hóa mỹ phẩm, túi xách - cho biết vào thời điểm này 3-4 năm trước, chị phải thuê thêm người phụ bán hàng. Nhưng năm nay, chợ Tết hẩm hiu, một người trông coi quầy sạp mà vẫn rất thảnh thơi.
Các quầy bán đồ Tết ở TP Cần Thơ thưa vắng khách.
Các quầy bán đồ Tết ở TP Cần Thơ thưa vắng khách.
Theo chị, năm trước chợ Tết đã "chậm", năm nay còn "rùa" hơn, doanh thu trung bình mỗi ngày chỉ 3-4 triệu đồng. Nhiều khách quen vẫn chưa ghé mua hàng, chờ thưởng Tết rồi mới tính. "Chợ bây giờ chủ yếu phục vụ người lao động thu nhập thấp. Vào cuối tuần, sức mua không tăng thêm, tức là năm nay nhiều người ăn Tết buồn. Hy vọng vài ngày nữa công nhân lĩnh lương - thưởng, sức mua sẽ tăng", chị Thanh nói.

Các chợ "nhà giàu" như Bến Thành, An Đông cũng đã bắt đầu đông khách, nhưng họ chỉ xem hàng, đọ giá là chính. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các siêu thị lớn, khách rất đông nhưng chưa mua nhiều. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận xét : "Nhìn vào cơ cấu hàng hóa ở siêu thị là thấy rõ xu hướng tiêu dùng Tết đã thay đổi". Người dân không còn mua dự trữ dài ngày để ăn Tết mà chủ yếu mua để biếu, tặng và đãi khách. Bia, nước ngọt, giỏ quà, bánh mứt... là những mặt hàng bán chạy nhất hiện nay.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết sức mua tại hệ thống siêu thị ở thủ đô đã bắt đầu tăng, nhưng chủ yếu là phục vụ nhu cầu gia đình, còn hàng Tết thì bán rất chậm. "Dự báo sức mua Tết này cùng lắm là bằng Tết trước, trong khi sức mua năm trước đã quá thấp so với nhiều năm trước đó nữa. Các đại lý, siêu thị mini sẽ phải giảm giá mạnh cho dù doanh thu thấp, chứ nếu giữ giá cao thì tổn thất sẽ lớn hơn".

Tình hình mua bán ngoài đường phố thậm chí còn ảm đạm hơn. Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, các cửa hàng đồng loạt treo biển giảm giá, từ 30%-70% nhưng đều vắng người mua. Theo chị Nguyễn Thị Loan, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Láng Hạ, các năm trước, chị chỉ giảm giá khoảng 20%-40. Nhưng năm nay giảm 50%-60% mà vẫn không ăn thua. "Giảm giá mạnh vẫn khó bán hàng, lượng bán ra nhỉnh hơn tháng cuối năm 2013 một chút nhưng không đáng kể. Cả hàng mới lẫn cũ đều đang tiêu thụ rất chậm", chị Loan nói.

Các loại hoa, cây cảnh chơi Tết cũng xuống đường muộn hơn, hiện vẫn chưa được người tiêu dùng để mắt. Vào thời điểm này mọi năm, các tuyến phố Lạc Long Quân - Âu Cơ (gần vườn đào Nhật Tân), Nguyên Hồng, Hàng Lược… đã tấp nập đào, quất chưng Tết; còn nay mới chỉ lác đác đào Tết trên vài tuyến phố. Khách dừng chân chủ yếu để... ngắm, hiếm người mua.

Tại TP Cần Thơ, từ 15/1, các sạp bán bánh mứt Tết trên đường Nguyễn An Ninh (quận Ninh Kiều) đã mở, nhưng vẫn vắng khách. Chủ một hàng bánh mứt cho biết: "Mấy ngày nay chỉ bán lai rai, nhiều nhất là các loại rượu; còn các loại kẹo, hạt dưa, hạt điều, mứt… tiêu thụ rất chậm. Sức mua giảm hẳn so với mọi năm". Chị Lê Khánh Phượng (Ninh Kiều, Cần Thơ) nói: "Mọi năm, tôi lấy bánh mứt về bán lẻ nhưng Tết này thấy ít người mua nên phải chuyển sang gói giỏ quà bán sỉ".

Còn tại Đà Nẵng, những tuyến đường mua sắm lớn như Hùng Vương, Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Linh cũng rất vắng vẻ. Chị Trần Thị Hạnh, chủ cửa hàng đèn trang trí, đồ gỗ trên đường Ông Ích Khiêm than thở: "Tôi buôn bán ở đây đã hơn 10 năm rồi. Chưa có năm nào những ngày gần Tết lại vắng khách như năm nay. Hình như ai cũng khó khăn nên mua sắm dè dặt".