Hàng tốt đồng loạt chào sàn UPCoM

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm, thị trường giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đồng loạt đón thêm nhiều tân binh mới, trong đó có không ít cái tên nổi bật như May 10, Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS)…

UPCoM vượt mốc 700 doanh nghiệp
Ngày 10/1, hơn 18,9 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty May 10 – CTCP (May 10) chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.800 đồng/cổ phiếu. Là thương hiệu may mặc có truyền thống, từ nhiều năm qua, May 10 đã nỗ lực giữ gìn và tiếp tục phát triển thương hiệu của mình. Tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt của DN này từ năm 2014 - 2016 lần lượt đạt 18%, 20% và 15%. Năm 2018, công ty dự kiến doanh thu thuần đạt 3.116 tỷ đồng, tăng 3,87% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 53,5 tỷ đồng, tăng 0,94% so với cùng kỳ và cổ tức là 15%. Với các mục tiêu này, cổ phiếu May 10 được đánh giá là cổ phiếu nhiều tiềm năng trên sàn UPCoM.

Tổng Công ty May 10 – CTCP (May 10) đã chào sàn UPCoM đầu năm 2018.

Trước đó, ngày 5/1, 11 DN đã đồng loạt đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Đó là Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện – CTCP (MCK: EMS); Công ty CP Chứng khoán Đà Nẵng (MCK: DSC); CTCP Đầu tư và Xây lắp Thành An 386 (MCK: TA3); Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn (MCK: QLD); Công ty CP Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (MCK: SON); Công ty CP Đầu tư Đức Trung (MCK: DTI); Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam – CTCP (MCK: VIW); Công ty CP Bia Hà Nội – Nam Định (MCK: BBM); Công ty CP Gạch Tuy Nen Bình Định (MCK: BTN); Công ty CP Đo đạc và Khoáng sản (MCK: SUM); Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (MCK: HAB). Đây cũng là 11 cái tên đầu tiên “xông đất” sàn UPCoM năm 2018, nâng tổng số DN đăng ký giao dịch tại thị trường này lên 701 DN với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 247.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt 719.450 tỷ đồng.

Nâng chất lượng thị trường

Năm 2017, sàn UPCoM đã có hàng loạt những hỗ trợ tích cực về mặt chính sách để nâng cao quy mô và chất lượng thị trường. Đặc biệt, Thông tư 115/2016/TT-BTC là một cú hích lớn khi gắn hoạt động đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngoài các hỗ trợ giúp DN đại chúng cập nhật các chính sách quy định mới, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tăng quy mô, thanh khoản cũng như tăng tính hấp dẫn của thị trường. Đó là quy định nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM lên ±15%, thay đổi cách tính UPCoM Index, phân bảng UPCoM Premium và bảng cảnh báo nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong năm 2017, HNX đã ban hành bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc theo dõi các nhóm DN theo quy mô vốn chủ sở hữu cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân loại và quản lý một lượng lớn hàng hóa đã và sẽ tham gia sàn UPCoM trong thời gian tới. Đồng thời tăng cường giám sát việc công bố thông tin của DN, nhất là các DN quy mô vốn lớn và triển khai cơ chế tạo lập thị trường cho các cổ phiếu giao dịch trên UPCoM...

Đại diện HNX cũng cho hay, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để nâng cao tính minh bạch cho thị trường UPCoM, nhằm cải thiện hơn nữa thanh khoản trên sàn này. Theo đó, HNX đang nghiên cứu áp dụng chương trình đánh giá công bố thông tin minh bạch cho các DN trên UPCoM. Các hoạt động quản trị công ty cũng sẽ được áp dụng với nhóm các DN đăng ký giao dịch quy mô vốn lớn. Đồng thời, để tăng sức hấp dẫn cho UPCoM, Sở tiếp tục thúc đẩy triển khai các hoạt động tạo lập thị trường, nghiên cứu xây dựng thị trường cho các DN khởi nghiệp…
Năm 2017, thị trường UPCoM đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và thanh khoản thị trường. Trung bình, khối lượng giao dịch đạt 11,6 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 218 tỷ đồng/phiên, tăng 35% về khối lượng và 71% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.