Hàng trăm nghị sĩ Myanmar bị quân đội quản thúc tại nhà công vụ sau vụ chính biến

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nhà lập pháp Myanmar cho biết, ông và khoảng 400 thành viên Quốc hội vẫn nói chuyện được với nhau bên trong khu nhà công vụ, nhưng không được phép rời khỏi nhà công vụ ở Naypyitaw.

Hãng tin AP ngày 2/1 đưa tin hàng trăm nghị sĩ Myanmar vẫn bị giữ tại nhà công vụ dưới sự giám sát của binh sĩ ở Naypyitaw, một ngày sau khi quân đội tiến hành bắt giữ bà San Suu Kyi và nhiều quan chức nước này.
 Lính Myanmar quản thúc 400 nghị sĩ tại nhà công vụ.
Trong khi đó, đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đưa ra một tuyên bố kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ. “Tổng tư lệnh quân đội tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước là vi phạm hiến pháp” - tuyên bố của đảng NLD nêu rõ trên trang Facebook.
Một nhà lập pháp cho hay, ông và khoảng 400 thành viên Quốc hội vẫn nói chuyện được với nhau bên trong khu nhà công vụ và liên lạc với cử tri qua điện thoại, nhưng không được phép rời khỏi nhà công vụ ở Naypyitaw. Nghị sĩ này cho biết, cảnh sát giám sát bên trong khu nhà, còn binh sĩ đứng gác bên ngoài.
Theo nhà lập pháp này, các chính trị gia, bao gồm thành viên trong đảng NLD cầm quyền của Cố vấn Suu Kyi và những đảng nhỏ khác, mất ngủ suốt đêm vì lo lắng có thể bị bắt, nhưng hiện đã ổn. "Chúng tôi phải thức để giữ cảnh giác”- nhà lập pháp giấu tên cho hay, đồng thời thông báo bà Suu Kyi không bị giam cùng với họ.
Trước đó, sáng sớm ngày ½, quân đội Myanmar đã bắt bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng NLD, tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm. Chính quyền quân sự sau đó cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng. Quân đội tuyên bố việc giam các quan chức là cần thiết vì chính phủ đã không hành động để xem xét cáo buộc gian lận bầu cử mà họ đưa ra.
Đảng NLD của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm ngoái, chiếm 83% số ghế ở Quốc hội. Tuy nhiên, đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) đối lập với sự ủng hộ của quân đội tuyên bố không chấp nhận kết quả này và khẳng định có gian lận.
Mỹ, Australia và Liên Hợp quốc (LHQ) phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, yêu cầu quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực ngay lập tức, đồng thời cảnh báo sẽ tái áp đặt cấm vận Myanmar vì vụ bắt bà Suu Kyi.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên giải quyết bất đồng theo khuôn khổ hiến pháp và pháp lý, cũng như bảo vệ ổn định chính trị và xã hội.
Theo người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, tổ chức này lên án việc bắt giữ bà Suu Kyi và nhiều quan chức Myanmar, cho rằng vụ việc là một "đòn giáng nghiêm trọng đối với các cải cách dân chủ". Ngày 2/2, Hội đồng Bảo an LHQ dự định sẽ thảo luận về cuộc chính biến này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần