Hàng trăm trẻ nhập viện do cúm mùa

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai tuần trở lại đây, có hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm mùa khi đến khám tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư. Hơn 100 bệnh nhi trong số đó phải nhập viện điều trị. Dự báo, số người mắc bệnh sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Mấy ngày qua, 2 con chị Nguyễn Thanh M. (Hà Đông, Hà Nội) phải nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư do mắc cúm. Đứa lớn 4 tuổi, bị lây cúm từ các bạn trong lớp, còn đứa nhỏ lây từ chị gái của mình.
 Khám cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Trước khi nhập viện, cả hai đều có tình trạng ho, chảy nước mũi và sốt cao, co giật, dùng thuốc hạ sốt không đỡ. Trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn Minh H., 14 tháng tuổi (ở Điện Biên) cũng trong tình trạng sốt liên tục, đã điều trị 1 tuần tại y tế cơ sở, nhưng bệnh không giảm. Gia đình chuyển cháu lên BV Nhi T.Ư, thì bác sĩ chẩn đoán mắc cúm, biến chứng viêm phế quản phổi. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, thời điểm mùa Đông Xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh. Cúm A/H1N1 còn có khả năng tấn công vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39 - 40 độ, khó hạ sốt, viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ viêm phế quản.

Theo bác sĩ Hải, thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày, không phải nhập viện điều trị, chủ yếu dùng thuốc hạ sốt tại nhà. Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác. Ngoài ra, khi trẻ nằm viện, nên hạn chế các tiếp xúc ko cần thiết. “Trẻ chỉ có chỉ định nhập viện trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó” – bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Trước tình hình bệnh cúm mùa lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Người dân không nên tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần