Hàng triệu nam giới không có cơ hội xây dựng gia đình

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3-4,3 triệu nam giới, đồng nghĩa với hàng triệu nam giới không có cơ hội xây dựng gia đình.

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ)  tập huấn cung cấp nội dung truyền thông về các vấn đề mới tại Nghị quyết  số 21-NQ/T.Ư cho phóng viên, cộng tác viên báo chí.
 Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, thời gian qua, ngành dân số đã quyết liệt giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh qua các giải pháp đồng bộ. Đó là giải pháp truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn trong xã hội. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để thì theo dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3-4,3 triệu nam giới, không có cơ  hội để xây dựng gia đình. Từ đó, kéo theo những bất ổn khi một xã hội dư thừa nam giới, có nhiều ảnh hưởng đến bình đẳng giới. Đặc biệt, khi dư thừa nam giới sẽ dẫn đến tỷ lệ nữ giới có xu hướng kết hôn sớm, kết hôn nhiều lần, nạn mại dâm ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe của phụ nữ, các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản, HIV, thậm chí bạo lực giới, bạo lực gia đình sẽ xảy ra khi dư thừa nam giới. 
Trong khi đó, từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học cũng như Tổng Cục Thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam mất từ 15-20 năm di chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, trong khi đó, hệ thống y tế, an sinh xã hội chưa kịp thích ứng với vấn đề già hóa dân số cũng như là việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Ngoài ra, còn có những vấn đề khác, khi giai đoạn chuyển đổi nhân khấu học chúng ta đã tạo ra giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tuy nhiên, nước ta chưa phát huy được lợi thế của dân số vàng. Hay những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, mang thai, phá thai, sinh con ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên… là những vấn đề mà hiện nay nước ra đang phải đối mặt.
Trước những thách thức đó, Đảng và Chính phủ cũng đã đưa ra Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư về công tác dân số trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu giải quyết toàn diện các vấn đề về dân số, quy mô, cơ cấu, phân bổ dân số và nâng cao chất lượng dân số bảo đảm phát triển bền vững.
 GS. TS Nguyễn Đình Cử  (chuyên gia có nhiều đóng góp trong việc hình thành mạng lưới giảng dạy và nghiên cứu về dân số và phát triển) chia sẻ thông tin tại lớp tập huấn.
Để tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức lớp tập huấn cung cấp nội dung truyền thông theo chủ đề về các vấn đề mới tại Nghị quyết  số 21 cho phóng viên, cộng tác viên báo chí nhằm nâng cao năng lực kỹ năng viết bài về dân số phát triển góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới.
Trong 2 ngày tập huấn, lớp học sẽ được GS. TS Nguyễn Đình Cử (chuyên gia có nhiều đóng góp trong việc hình thành mạng lưới giảng dạy và nghiên cứu về dân số và phát triển); TS. Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; Ths. Đỗ Thị Hồng - Phó Vụ trưởng, Vụ Truyền thông-Giáo dục chia sẻ về 9 chuyên đề: Cung cấp thông tin tổng quan về công tác dân số trong tình hình mới. Lồng ghép biến dân số trong các kế hoạch hóa phát triển. Kỹ năng phát hiện đề tài, khai thác, thu thập, xử lý thông tin. Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Truyền thông về tận dụng cơ cấu dân số vàng. Truyền thông về thích ứng với già hóa dân số. Truyền thông về duy trì mức sinh thay thế. Truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tínhkhi sinh. Truyền thông về nâng cao chất lượng dân số.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần